.jpg) |
Tăng hay không tăng lãi suất? Chiều hướng nào cũng có hệ lụy.
|
Tăng hay không tăng lãi suất? Chiều hướng nào cũng có hệ lụy.
Đồng thuận trên danh nghĩa
Ba NH tăng lãi suất là NHTMCP Đại Dương (Hải Dương) và NHTMCP Miền Tây (Cần Thơ), NHTMCP Bắc Á (Nghệ An). Ngoài ra có 3 NHTMCP nữa của Hà Nội và Kiên Giang đã thông báo tăng lãi suất nhưng bị NHNN nhắc nhở nên buộc phải ngừng. Bên cạnh đó, NHTMCP Sài Gòn vẫn tiếp tục "câu giờ" chương trình phát hành kỳ phiếu với lý do là đang chờ Bộ Công Thương cho ngừng khuyến mãi.
Bảng điện tử của một số NH chạy mức lãi suất theo đồng thuận của hiệp hội nhưng nhân viên NH đưa tận tay khách hàng biểu lãi suất mức cao hơn. Nhiều NH thỏa thuận trả lãi suất cao dưới hình thức hợp đồng gửi tiền với khách hàng cá nhân/DN có lượng tiền gửi lớn. Như vậy dù danh nghĩa vẫn thực hiện lãi suất thỏa thuận, nhưng thực tế nhiều NH đã trả lãi suất cao cho khách hàng. Thậm chí có DN đã đặt điều kiện phải trả lãi suất cao gần mức NH đi vay trên thị trường liên NH mới gửi.
1% chưa hút được khách hàng
Sau một vài ngày huy động được một số tiền khá lớn, đến ngày 18.4, số chênh lệch giữa tiền chi ra và thu vào từ người gửi tiền tại chi nhánh Hà Nội của một trong những NH tăng lãi suất kể trên cũng chỉ được 100 triệu đồng.
Anh Dương (một người gửi tiền ở Hà Nội) nói: "1% thì bõ gì mà đi rút trước hạn ở NH khác đi gửi ở NH này, vừa mất lãi ở NH đang gửi, vừa mất công". Cá nhân/tổ chức có số tiền lớn thì dễ dàng thỏa thuận với nhiều NH để hưởng lãi suất cao nên cũng không cần tìm đến các NH tăng lãi suất để gửi tiền. Điều đó cho thấy mức tăng thêm 1% cũng chưa hút được người gửi tiền. Có lẽ 12%/năm chưa phải là mức cao nhất mà các NH muốn áp dụng nếu có điều kiện.
Hiện nay, các NH tăng lãi suất mới dám dừng lại ở mức 12% vì họ còn e ngại NHNN chưa có ý kiến chính thức về trần huy động tại Công điện 02. Dự báo trong tuần tới, tiền gửi vẫn là vấn đề nóng bỏng. Các NH đang "nhìn nhau" và chờ những tín hiệu từ NHNN. Nếu tái đua lãi suất lần này thì mức tăng nhiều khả năng sẽ cao hơn mức tháng 2 vừa rồi.
Nan giải lãi suất tiền gửi tổ chức
Số thống kê tốc độ tăng/giảm các loại tiền gửi 16 ngày đầu tháng 4 của NHNN- Chi nhánh TPHCM và phản ánh của nhiều NH cho thấy, tiền gửi tiết kiệm tuy giảm nhẹ nhưng lượng khách đến gửi và rút vẫn trong diễn biến bình thường.
Giảm mạnh nhất là tiền gửi (thanh toán và ngắn hạn) của các tổ chức (không phải là TCTD). Tuy không ổn định bằng tiết kiệm nhưng tiền gửi tổ chức mang lại lợi nhuận cao cho NH vì lãi suất thấp (không kỳ hạn 2,5%/năm, có kỳ hạn thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm), mặt khác những tài khoản tiền gửi thanh toán thường tạo ra một nguồn thu về phí cho NH.
Ông L.H.T - Phó TGĐ phụ trách tài chính một tập đoàn kinh tế cho biết: "Chúng tôi đang phải tính toán vốn từng giờ. Vay NH khó mà lãi suất cao quá trời, lãi suất tiền gửi thì thấp, DN gửi làm chi? Chúng tôi phải rút ra lấy vốn kinh doanh và cho vay trong tập đoàn. Các Cty con khó vay vốn bên ngoài lắm".
Nhận xét về hiện tượng DN mang tiền gửi từ NH về cho vay lẫn nhau, một chuyên gia tài chính nói: "Nếu để tình trạng vốn quay vòng ngoài NH rất nguy hiểm vì sẽ diễn ra cảnh cho vay nhau với lãi suất chợ đen, rồi mất nợ vì DN không đủ điều kiện và trình độ để thẩm định các khoản cho vay chuyên nghiệp như NH. NH có khả năng phân bổ vốn tốt hơn. DN tự cho nhau vay rủi ro cho DN và cả nền kinh tế. Vì vậy nên tăng lãi suất để hút tiền DN lại NH".
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng nếu tăng lãi suất đủ cao để hấp dẫn DN lại xảy ra tình trạng DN không đưa vốn vào SXKD, mà gửi NH để kiếm lời. Tăng lãi suất huy động thì chắc chắn lãi suất cho vay lại tiếp tục tăng, với vai người đi vay DN cũng khó chịu nổi. Nợ xấu ở nhiều NH đang tăng nhanh, vì DN thà chịu lãi suất nợ quá hạn chứ không trả để vay mới vì lãi suất quá cao.
Xu hướng tăng khó tránh khỏi
Có dấu hiệu cho thấy một số NHTMCP quy mô nhỏ đang rất khó khăn cân đối nguồn, hàng ngày họ phải đi vay trên thị trường LNH từng món vài chục tỉ với lãi suất gấp rưỡi, gấp đôi lãi suất huy động từ tổ chức và dân cư.
Bên cạnh đó, nguồn tiền gửi của các NHTMNN cũng đang giảm với mức cao nhất trong hệ thống. Chỉ tính riêng địa bàn TP.Hà Nội, đến đầu tháng 4.2008, nguồn vốn huy động của khối NHTMNN giảm gần 4% so cuối năm 2007, các chi nhánh của hai NHNo&PTNT và NH Ngoại thương giảm mức tương ứng là 13% và 6%. Trong tháng 3.2008, NHTMNN cũng phải đi vay trên thị trường LNH rất nhiều (số dư vay NH khác của khối này tăng 55% so tháng 2.2008).
Tiền gửi là đầu vào sống còn của hoạt động NH, nếu NHNN không có các biện pháp để giải quyết tình hình trên phương diện vĩ mô thì một số NH chỉ còn biện pháp lãi suất để giải quyết vấn đề tiền gửi của mình. Tuần này, lãi suất sẽ là vấn đề rất nóng trong hoạt động NH. Có khả năng danh sách các NH tăng lãi suất sẽ không dừng ở con số 3 như hiện nay.
Trịnh Ngọc Lan