Đứng giữa chợ đông kẻ bán
Điều đáng ngại nhất khi tham gia thị trường OTC không phải là thua lỗ vì giá cổ phiếu giảm. Một ngày nào, chợ chỉ toàn kẻ mang hàng đi bán, muốn bán rẻ cũng chịu, bạn sẽ thấm thía câu chuyện mà số đông nhà đầu tư phong trào đã hứng chịu khi tham gia cơn sốt có phần quá rồ dại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thủy điện, taxi, thủy sản… đầu năm 2007. Đùng một cái, cổ phiếu ngân hàng đổ xuống 20 - 30% chỉ trong vòng hơn 1 tháng mà không có tín hiệu nào báo trước. Hơn lúc nào hết, vai trò của các nhà buôn lớn mà có lẽ các CTCK phù hợp nhất để đảm nhận, chưa xuất hiện dù được chờ đợi.
Chính lúc này, hiệu ứng domino xuất hiện với việc nhà đầu tư nhận ra DN thủy điện họ đầu tư phải 2 năm sau mới có điện, cổ phiếu công ty taxi hàng đầu giá 3 - 4 chấm hóa ra lại là cổ phiếu ưu đãi có cổ tức cố định tính đổ đồng chỉ dưới 5%/năm, lời hứa niêm yết của nhiều công ty thủy sản hóa ra là vụ "bán phá giá" trong giai đoạn họ mới khai phá quyền lực của TTCK. Niềm tin vốn tạo nên một thị trường OTC thịnh vượng đã bị sự lập lờ của nhiều DN làm rạn nứt. Khi đó, chủ trương quản lý thông tin của các công ty đại chúng được công chúng đầu tư chào đón với nhiều vọng. Trên thực tế, việc đăng ký công ty đại chúng đến nay đã được chấp hành, tạo điều kiện hàng hóa cho chợ OTC chính quy được thành lập nay mai.
Nhiều nhà đầu tư thành công và các môi giới lâu năm trên thị trường OTC đã chọn lựa giải pháp ngồi lại với nhau thành lập các công ty đầu tư và dịch vụ môi giới như Bluechips, DPN, SVIC… để cung cấp dịch vụ hoàn hảo hơn và tránh rủi ro do đội ngũ môi giới mới và không chuyên tăng lên đông đảo. Ngoài ra, phương thức rao bán và tìm mua cổ phiếu cũng có nhiều thay đổi với nhiều trang web chuyên về rao vặt trên OTC như sanotc.com, vinabull.com, vinashare.com.
Với hoàn cảnh thị trường OTC năm 2007 như trên, việc chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới và đầu tư trở thành một thách thức sống còn, nhất là khi chợ OTC ngày càng đông đúc và khó kiểm soát.
Khôn ngoan chọn mua hàng hiệu
Người ta có thể liệt kê hằng hà sa số khoản đầu tư thất bại trên thị trường OTC trong năm 2007, nhiều đến mức nghe đến OTC thì đại đa số nhà đầu tư cá nhân đều ngán ngẩm lắc đầu, mặc dù thành công trên hai sàn chính thức cũng không dễ dàng hơn là mấy. Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư chuyên nghiệp và các môi giới lâu năm vẫn trúng đậm, với rất nhiều khoản đầu tư cho lợi nhuận 200% - 700% như Điện Quang, Nhà Từ Liêm, Dược Cửu long, Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Licogi 16, Đạm Phú Mỹ…
Theo ghi nhận của ĐTCK, trong giai đoạn thê thảm nhất của năm 2007, các cổ phiếu nêu trên đều có mức tăng trưởng tốt, đi ngược với xu hướng thị trường và quan trọng là bảo đảm được tính thanh khoản, tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của cổ phiếu OTC. Cũng dễ dàng nhận ra rằng, nhiều cổ phiếu nói trên hội đủ điều kiện là hàng hiệu "Top 5" của mỗi ngành mà DN đó hoạt động, bao gồm: quy mô vốn, thị phần, nhãn hiệu, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị, tầm nhìn chiến lược, năng lực tín dụng tốt và ngân hàng sẵn sàng nhận cổ phiếu làm tài sản thế chấp. Quan trọng nhất, các DN trên là những DN chấp nhận thông tin tương đối rõ ràng và thực hiện tốt cam kết đối với cổ đông.
Các yếu tố tạo nên thành công của nhà đầu tư cũng có thể nhìn nhận rất dễ dàng: chiến lược đơn giản, quan điểm rõ ràng, đầu tư tập trung. Ghi nhận của phóng viên ĐTCK cho thấy, nhóm nhà đầu tư cá nhân đạt được mức lãi trên 10 triệu USD trong năm 2007 đều có chung một số tiêu chí như: chỉ đầu tư vào những DN mà ban lãnh đạo tâm huyết với công việc và biết chia sẻ với cổ đông, chỉ đầu tư không quá 2 DN trong mỗi ngành và thường không đầu tư nhiều hơn 10 cổ phiếu, mỗi khoản đầu tư ít hơn 1 tỷ đồng mệnh giá cổ phần hay 1% vốn cổ phần của DN, không đầu tư nếu DN chưa có chỗ đứng tương đối tốt trong ngành nghề hoạt động.
2008, năm bất động sản
Xét theo ngành nghề, các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm (Điện Quang, Masan, Nutifood, Vinacafe, Đạm Phú Mỹ…), và các DN bất động sản (Hoàng Anh Gia Lai, Intresco, Quốc Cường Gia Lai, Licogi 16…) là hai nhóm ngành mang lại thành công trong năm 2007 hơn các nhóm ngành còn lại. Ngược lại, các nhóm ngành có thành tích năm 2007 kém hơn hẳn năm 2006 là ngân hàng, vận tải, thủy sản, xuất nhập khẩu... Càng về cuối năm 2007, hai xu hướng ngành trên càng được nhìn thấy rõ hơn.
Theo dự đoán của nhiều nhà buôn OTC lớn, nhóm ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội lấy lại vị thế trong năm 2008 khi mặt bằng giá đã giảm sâu và các tên tuổi hàng đầu như Vietcombank, Sacombank, ACB… được các nhà đầu tư bảo thủ và tổ chức đầu tư yêu thích trở lại. Các ngành nghề liên quan đến nguyên liệu, bán thành phẩm và sản phẩm công nghiệp được đánh giá ở mức trung bình, trong khi nhóm bất động sản chắc chắn sẽ tiếp tục lên ngôi và trở thành đối tượng được săn lùng nhiều nhất.
Về phía các tổ chức đầu tư, hầu hết công ty quản lý quỹ đầu tư lớn hiện nay như VinaCapital, Dragon Capital, Indochina, VFM… đều đã lập các quỹ lớn đầu tư vào hạ tầng và bất động sản, trong khi các quỹ thuộc ngân hàng, CTCK và công ty tài chính đều xác định các tiêu chí đầu tư ưu tiên cho ngành bất động sản. Theo nhiều tổ chức đầu tư, khả năng lớn là bất động sản sẽ tiếp tục bùng nổ từ quý II/2008.
Theo các nhà tư vấn, khả năng nhà đầu tư sẽ rút tiền từ chứng khoán ngay từ đầu năm 2008 để theo đuổi cơn sốt đất là có thể xảy ra, nhưng biện pháp khôn ngoan hơn có lẽ là mua cổ phiếu của các công ty bất động sản và xây dựng. Do đó, khả năng rất lớn là cổ phiếu bất động sản sẽ là tâm điểm của thị trường OTC năm 2008.