Thứ trưởng Bộ Công thương Vũ Cẩm Tú Ảnh M.Yến
Ông lý giải thế nào về việc Chính phủ tuyên bố sẽ để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường vào ngày 25/2 vừa qua, song hiện nay lại chủ trương bù lỗ cho DN để giữ giá?
- Chính phủ quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, song trong điều kiện thị trường có nhiều biến động lớn và lạm phát như hiện nay, cơ quan quản lý tạm thời giữ giá không thay đổi.
Vì nếu yếu tố lạm phát không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế và làm đời sống của người dân thêm khó khăn. Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên phải nhấn mạnh là Chính phủ hỗ trợ bù lỗ giá xăng dầu cho DN trong những lúc khó khăn chứ không phải quay về cơ chế cũ - bao cấp cho DN.
Như vậy, các DN nhập khẩu xăng dầu sẽ được Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn như thế nào?
- Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ vốn cho các DN vay theo cơ chế đặc biệt. Mặt khác, các DN cũng sẽ được mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, nếu thiếu NHNN sẽ hỗ trợ.
Bộ Tài chính cũng sẽ khẩn trương bù phần lỗ của các DN trong năm 2007 và 2 tháng đầu năm 2008, trị giá 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ thu xếp nguồn tạm ứng cho các DN tương ứng 95% phần lỗ tạm tính để đảm bảo nguồn vốn kinh doanh theo kế hoạch, về quyết toán sẽ xem xét sau.
Có ý kiến cho rằng, các DN kinh doanh xăng dầu đang “móc ngoặc” với nhau trong việc định giá bán trên thị trường, ông bình luận thế nào về ý kiến nay?
- Có một điều tôi khẳng định là khi thực hiện đăng ký niêm yết giá bán trên thị trường, không có đơn vị nào đăng ký giá quá mức trần. DN đăng ký giá bán cao nhất là 15.000đồng/lít, còn DN đăng ký giá bán thấp nhất là 14.500đồng/lít.
Vấn đề tỷ giá giữa các đơn vị mua là khác nhau. Các yếu tố cấu thành nên giá bán tại mỗi đơn vị cũng có đặc điểm riêng. Tuy nhiên trong cơ chế thị trường như hiện nay, các DN đều rất ý thức trong việc nắm giữ thị phần của mình trên thị trường. Do vậy, khi niêm yết giá bán ra họ đều quyết định thống nhất mức giá 14.500đồng/lít, đủ để DN tồn tại và giữ được thị phần của mình.
Tôi vẫn khẳng định là không có chuyện các DN liên kết trong việc tăng giá xăng dầu vừa qua.
Xin ông cho biết, với giá xăng dầu giữ như mức hiện nay sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?
- Tác động của giá xăng dầu nói chung đối với CPI được thể hiện ở cả hai mặt: trực tiếp và gián tiếp. Gián tiếp là thông qua chi phí sản xuất và trực tiếp có thể tính được đó là quyền số tạo nên giá của một mặt hàng. Hiện trong rổ hàng hóa, việc chi phí giá xăng dầu có quyền số là 2,58%.
Tới đây giá xăng dầu trong nước sẽ được điều hành theo cơ chế nào, thưa ông?
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá xăng trong nước sẽ được giữ như mức hiện nay đến tháng 6, trừ trường hợp giá dầu tăng đột biến. Nếu giá thế giới tăng vừa phải, xăng dầu trong nước sẽ không có điều chỉnh tăng, các DN sẽ đợi đến khi có thời cơ thuận tiện để bù lỗ sau.
Chính phủ cương quyết điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, song không buông lỏng quản lý.
Việc xây dựng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được các cơ quan quản lý xây dựng như thế nào, thưa ông?
- Quỹ bình ổn giá sẽ cần thiết trong những hoàn cảnh nhất định. Mới đây Bộ Công thương và Tổng công ty Xăng dầu VN đã trình Chính phủ phương án lập quỹ bình ổn. Thủ tướng đã đánh giá cao phương án đưa ra của Bộ và đã giao Bộ thực hiện trên tinh thần lấy giá đã hình thành trong nước khi giá dầu thế giới ở mức 105 USD vào ngày 25/2 vừa qua làm mặt bằng giá từ nay cho đến tháng 6.
Về sau, giá trong nước sẽ được tính bằng giá thế giới quy đổi cộng với chi phí, lợi nhuận ở mức hợp lý của các DN và một phần lợi nhuận để đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ sử dụng quỹ dự trữ quốc gia một cách linh hoạt vào việc bình ổn giá xăng dầu.
Hai tháng đầu năm 2008 DN xăng dầu lỗ 3.561 tỷ đồng Ông Nguyễn Cẩm Tú cho hay, từ đầu tháng 3 đến nay, giá xăng dầu thế giới luôn trong xu hướng tăng: giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động trên mức 110 USD/thùng, diesel và dầu hoả trên 128 USD/thùng… Với mức giá nhập khẩu này, các doanh nghiệp đã phát sinh lỗ: xăng A92 lỗ 350 đồng/lít; dầu diesel lỗ 1.400 đồng/lít và dầu hoả lỗ gần 1.000 đồng/lít. Năm 2006, sau khi Bộ Tài chính đã bù giá cho doanh nghiệp thì vẫn còn 380 tỷ đồng chưa có điều kiện để bù. Năm 2007, tổng số lỗ phát sinh từ kinh doanh dầu mà nhà nước chưa bù được là 12.255 tỷ đồng; đến 31/12/2007, Bộ Tài chính đã bù được 8.345 tỷ đồng, và đã có phương án bù đến 22/3 là 10.300 tỷ đồng. Như vậy, cũng còn 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được bù trong năm 2007. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2008 DN xăng dầu đã lỗ 3.561 tỷ đồng. Tính chung lại, đến nay, các doanh nghiệp vẫn còn trên 6.000 tỷ đồng chưa được bù lỗ, đó là chưa kể với mặt hàng xăng, do Nhà nước chưa thực hiện bù nên các doanh nghiệp cũng phát sinh lỗ lên đến hàng ngàn tỷ… |
Minh Yến (lược ghi)