Ngày 22.11, TTGDCK Hà Nội (HaSTC) đã tổ chức buổi tọa đàm về đề án xây dựng thị trường giao dịch CK của Cty đại chúng.
Sẽ có biên độ giá
Quyệt đề án này vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 8.11, đã có nhiều thay đổi so với đề án được đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường hồi đầu tháng 8.2007. Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất là giá tham chiếu và biên độ đã được giải quyết. Theo đó, các giao dịch trên thị trường này sẽ phải chịu khống chế biên độ dao động +/-20%. Giá tham chiếu sẽ do HaSTC tính toán theo phương thức bình quân gia quyền.
Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, PGĐ HaSTC, đề án ban đầu không đặt vấn đề giá tham chiếu và biên độ vì muốn đảm bảo tính linh hoạt cao của thị trường tự do. Tuy nhiên, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng việc không quy định biên độ có thể dẫn đến tình trạng làm giá do tính chất của các giao dịch là hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, các CTCK sẽ khó có căn cứ xác định mức phí giao dịch và NĐT có thể cố tình thỏa thuận giá thấp để giảm phí giao dịch.
Tuy nhiên, vấn đề tính giá tham chiếu của các CK đăng ký giao dịch trên thị trường này không hề đơn giản. "Đây thực sự là bài toán khó và HaSTC đang tìm lời giải bởi tính chất các giao dịch trên thị trường này không giống thị trường niêm yết", ông Trung cho biết.
Khó khăn lớn nhất là các giao dịch dựa trên sự thỏa thuận và không thường xuyên, thậm chí với những CP của Cty ít tên tuổi có thể không có giao dịch trong một thời gian dài.
"Chúng tôi đang tính đến khả năng phân loại CP theo mức độ thanh khoản. HaSTC dự kiến sẽ có một bảng thông tin về các CP được giao dịch nhiều nhất và số này có thể xác định giá tham chiếu dễ dàng. Đối với những CP không có giao dịch trong một khoảng thời gian quá dài, có thể phải quy định một hình thức tính lại giá tham chiếu nào đó", ông Trung nói.
Không lo thiếu hàng
Theo kế hoạch, thị trường giao dịch CP của Cty chưa niêm yết dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối quý I/2008. Tuy nhiên theo đại diện HaSTC, sẽ không lo ngại về tình trạng thiếu hàng do khả năng huy động DN tham gia thị trường rất lớn.
Thị trường đăng ký giao dịch của CP chưa niêm yết có lợi thế là ra đời sau khi Luật CK có hiệu lực. Theo đó, các Cty đại chúng buộc phải thực hiện lưu ký tập trung và các giao dịch được thực hiện trên tài khoản lưu ký này.
Mặt khác, quy mô thị trường niêm yết hiện tại đã phát triển mạnh và không còn quá xa lạ với các DN.
"Các thủ tục và điều kiện để DN đăng ký giao dịch rất đơn giản DN chỉ cần thực hiện lưu ký CK, được một CTCK thực hiện thủ tục đăng ký với HaSTC và hoàn chỉnh hồ sơ Cty đại chúng theo Luật CK. Như vậy nếu Cty đã thực hiện lưu ký theo Luật CK thì bước tiếp theo là đăng ký giao dịch hầu như không có khác biệt nào", ông Trung cho biết.
Một yếu tố thuận lợi nữa là áp lực của chính cổ đông của Cty đại chúng. Thực tế giao dịch trên thị trường tự do tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tính pháp lý của thỏa thuận, rủi ro về giá và đặc biệt là rủi ro thanh khoản. Thị trường tự do hiện tại gần như không có bất kỳ thông tin chính thức nào xác nhận về tình trạng giao dịch, khối lượng hay giá thành công.
Theo đại diện của HaSTC, hệ thống giao dịch của thị trường chưa niêm yết sẽ độc lập và đi kèm hệ thống thông tin về tình trạng thị trường chi tiết cũng như công bố thông tin từ DN. Theo đề án được Bộ Tài chính phê duyệt, hàng hóa ban đầu sẽ tập trung vào các CTCK, tổ chức tài chính, NH, bảo hiểm.
Ông Trần Văn Dũng, GĐ HaSTC, cho biết, đây là những DN thuộc lĩnh vực gần với TTCK, quản trị tốt, đồng thời là những CP có tính thanh khoản cao. Thậm chí, có khả năng nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác cũng đăng ký giao dịch và HaSTC sẽ kiến nghị lên UBCKNN. Ngoài ra, thị trường chưa niêm yết hứa hẹn sẽ thu hút một lượng cầu lớn từ NĐTNN khi thông tin minh bạch hơn và tính thanh khoản cao.
Ông Trung cho biết, HaSTC cũng đã tham gia giới thiệu về mô hình thị trường CP chưa niêm yết tại Hồng Kông và nhận được nhiều quan tâm: "Thực tế NĐTNN nhận thấy quy mô của thị trường chưa niêm yết lớn hơn nhiều thị trường tập trung và giá cả cũng hấp dẫn hơn. Vấn đề quan ngại là tính minh bạch và khả năng thanh khoản".