Kích cầu du lịch: Giảm giá các dịch vụ đến 50%

Bãi biển Nha Trang hấp dẫn khách du lịch quốc tế

Từ tháng 1 – 9/2009, các khách sạn cần cam kết giảm giá từ 30 – 50% so với giá hợp đồng đã ký với các Cty lữ hành; hàng không cũng phải cam kết khuyến mại từ 30 – 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa...

Đó là một trong những biện pháp nhằm kích cầu ngành du lịch trong năm 2009.

Du lịch hứng hậu quả khủng hoảng kinh tế

Tại cuộc bàn thảo của ngành du lịch tổ chức tại Đà Nẵng hôm qua (29/12), ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành không khỏi lo ngại: Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2008 đạt khoảng 4,2 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 20 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch năm 2008 ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2007, lượng khách quốc tế cũng chỉ tăng 1,1%. Đáng nói ngay cả một số thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trong những năm qua, nhưng sang năm 2008 bị giảm sút như: Hàn Quốc giảm 4,5%, Nhật Bản giảm 5,9%, Đài Loan giảm 2,1%...

Nguyên nhân chính được xác định do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã tác động mạnh tới túi tiền của người dân. Bên cạnh đó, không ít những bất cập đã tồn tại trong ngành du lịch, khiến hoạt động này chưa thể khai thác hết thế mạnh của mình.

Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn: Việc giới hạn khách sạn phục vụ các dịch vụ giải trí cho khách đến 12 giờ đêm là một bất cập lớn trong việc thu hút khách; mặt khác, hệ thống khách sạn từ ba sao trở lên chỉ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn.

Thống kê trong tổng số hơn 10.000 khách sạn cả nước, chỉ có 31 khách sạn năm sao, 84 khách sạn bốn sao, gần 200 khách sạn ba sao, có trên 40 tỉnh có khách sạn dưới hai sao không có bóng dáng người nước ngoài...

Những lý do này khiến hoạt động khách sạn dù đánh dấu sự tăng trưởng từ 2006 đến nay nhưng thực tế từ tháng 4/2008 đã đảo chiều với công suất sử dụng khách sạn chỉ đạt 49% và giảm gần 3% so với thời điểm trước đó. Trong khi đó, khách sạn chiếm đến hơn 60% doanh thu toàn ngành du lịch nên việc gặp khó khăn là không tránh khỏi.

Cấp bách tìm giải pháp

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Một trong những giải pháp khôi phục nhịp độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và thúc đẩy du lịch nội địa, đó là triển khai chương trình khuyến mại du lịch rộng rãi trên phạm vi cả nước, bên cạnh đó phải triển khai đồng bộ việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá, xúc tiến cho du lịch Việt Nam.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn ngành và các bên liên quan. Từ tháng 1 – 9/2009, các khách sạn cần cam kết giảm giá từ 30 – 50% so với giá hợp đồng đã ký với các Cty lữ hành; hãng hàng không Việt Nam cũng phải cam kết khuyến mại từ 30 – 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mãi; các nhà cung cấp dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống) cam kết đăng ký tham gia giảm giá dịch vụ cho khách du lịch... là một trong những chương trình hành động trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2009.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là “gói kích cầu” trước mắt, một chiến lược dài hơi đang được ngành chú ý xúc tiến thu hút khách từ một số thị trường quan trọng. Trong đó, ASEAN được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhất, và sẽ là hướng tập trung hàng đầu, nhất là vào các thị trường, như: Thái Lan, Malaysia và Singapore...

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai đồng bộ việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá… Hiện tại ngành du lịch đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc: giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn, vận chuyển, dịch vụ phụ trợ; cho phép thực hiện thí điểm 1 năm các doanh nghiệp liên doanh du lịch đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên để khuyến khích các doanh nghiệp vận chuyển nhập xe; tăng thời hạn phục vụ các dịch vụ giải trí tại khách sạn đến 2 giờ sáng...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây