Kinh doanh vàng: Thiếu công cụ đầu tư

Chủ yếu giao dịch vàng vật chất

Bà Hồ Thị Thanh Trúc, Phó Tổng giám đốc SCB, cho biết các NĐT cá nhân có nhu cầu đầu tư vàng kiếm lời nhanh ở những thời điểm giá vàng biến động thường chỉ giao dịch dựa trên uy tín của tổ chức kinh doanh vàng, như mua vàng rồi ký gửi vàng tại DN hay NH đợi giá vàng lên thì bán; hoặc thực hiện bán vàng khống khi dự đoán giá vàng sẽ giảm.

Tuy nhiên, nếu như giá vàng biến động theo giờ như thời gian gần đây thì các NĐT vàng thông qua vàng vật chất rất dễ bị lỗ vì trở tay không kịp.

Trong khi ở nước ngoài, các NĐT cá nhân có thể mở tài khoản vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản. NĐT chỉ cần đặt lệnh mua và bán ở một mức giá do NĐT kỳ vọng và hoàn toàn có thể chặn lỗ kịp thời nhằm tránh lỗ nặng khi dự đoán sai.

Hiện nước ta chỉ có một số ít NH và DN được NHNN cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản như một kênh bảo hiểm rủi ro trong việc cân đối nhu cầu mua bán vàng trong nước, chứ chưa được phép kinh doanh vàng trên tài khoản cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Thái Hân, Giám đốc khối ngân quỹ ACB, người dân ở nước ngoài không có thói quen cầm vàng, việc tìm mua một số lượng vàng vật chất nhỏ không phải dễ và thường phải chịu thuế. Vì vậy, đầu tư vàng qua sàn giao dịch trở nên phổ biến.

Ngay như Trung Quốc, đầu tư vàng qua sàn giao dịch vàng phát triển trước đầu tư vàng vật chất. Ở nước ta cũng đã có sàn giao dịch vàng đầu tiên do ACB sáng lập. Đây được xem là sân chơi không chỉ để bảo hiểm rủi ro mà còn có thể kiếm lời từ chênh lệch giá.

NĐT có thể mua vàng hàng ngày, tận dụng những giây phút biến động của thị trường vàng để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay ACB chỉ giới hạn các thành viên của sàn mở tài khoản và mua bán với nhau, còn NĐT cá nhân vẫn chưa thể tham gia.

Chứng chỉ vàng có phù hợp?

Một trong những công cụ khác để mua bán vàng phổ biến trên thế giới là chứng chỉ bằng vàng. Ở nhiều nước có chính sách tạo thuận lợi cho các cơ hội mua, bán vàng qua chứng chỉ vàng. Các NH nước ngoài thường phát hành chứng chỉ vàng mệnh giá từ 500 gram đến 10 kg vàng, có kỳ hạn và lãi suất phù hợp.

Các NH cũng quy định mức phí giao dịch và phí bảo quản, khách hàng mua được quyền trả bằng vàng khối hoặc tiền mặt. Chứng chỉ vàng được đánh giá là phù hợp, thuận lợi và an toàn đối với các NĐT và các NH, nhất là các NĐT nhỏ.

Ở nước ta việc huy động vàng qua hình thức tiền gửi của các NH được NHNN quy định có thể phát hành dưới dạng chứng chỉ vàng (sổ tiết kiệm). Riêng việc phát hành chứng chỉ bằng vàng cũng có, nhưng chưa nhiều.

Southern Bank đã phát hành chứng chỉ bằng vàng theo phương thức ghi danh ngắn hạn, gồm các mệnh giá như: 10, 50, 100, 500 và 1.000 chỉ, với lãi suất từ 2,2-2,8%/năm. Chứng chỉ này có thể chuyển nhượng, trao tặng, cầm cố vay vốn NH. Sacombank cho biết sẽ phát hành chứng chỉ bằng vàng trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, cho rằng việc phát hành chứng chỉ vàng ở nước ta khó có thể được người dân chấp nhận, vì vẫn e ngại giấy tờ có giá đó không bảo đảm là vàng.

Vì vậy, đòi hỏi tổ chức phát hành phải có uy tín và năng lực, đảm bảo có một lượng vàng tương ứng trong kho khi phát hành chứng chỉ vàng. Tuy nhiên về lâu dài, việc mua bán vàng cũng nên theo thông lệ quốc tế, chấp nhận chứng chỉ vàng như một trong những công cụ đầu tư của người dân.

Trước nhu cầu đầu tư vàng ngày càng cao của người dân, nhiều NH, DN chạy đua thành lập công ty kinh doanh vàng. Ngoài kế hoạch của Sacombank thành lập công ty kinh doanh vàng, dự kiến tháng 12 này CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng quốc tế dưới sự góp vốn của DongABank, PNJ, Hội đồng Vàng thế giới… sẽ đi vào hoạt động. Bên cạnh các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống, công ty này đang nhắm đến tư vấn và đầu tư cho các NĐT vàng cá nhân.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây