Lãi suất trần 12%, lại thêm một giải pháp tình thế!

Techcombank đưa ra mức "lãi suất hấp dẫn" 14,2% từ chiều ngày 26-2- Ảnh: HỮU THẮNG

Theo nhận định của những người trong ngành thì biện pháp hành chính này là đúng nhưng chỉ mang tính chất tình thế.  

Tại sao là 12%?              

Giải thích vì sao mức lãi suất trần huy động tiền gửi là 12%, NHNN cho rằng vì dựa trên mức lạm phát năm 2007 (trên 12%), trong khi chủ trương của Chính phủ là không để lãi suất âm. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói: "Do vậy, ít nhất lãi suất tiền gửi 12% là đảm bảo không âm rồi, nếu hơn mức này thì cao quá, không phù hợp. Biện pháp này nhằm mục đích không gây khó khăn cho các ngân hàng cũng như nền kinh tế".  

NHNN lý giải, một số ngân hàng nhỏ đã cho vay vượt quá khả năng huy động của mình, có ngân hàng dư nợ cho vay bằng 264% huy động, và đã dựa vào nguồn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay. Khi có yêu cầu đóng dự trữ bắt buộc, các ngân hàng này không đủ vốn để trả lại cho các ngân hàng bạn, buộc lòng phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, dẫn tới cuộc đua lãi suất vừa qua.

Thực tế là liên tục những ngày qua, lãi suất ngân hàng đã bị đẩy lên rất cao và các ngân hàng thi nhau hút khách hàng bằng biểu lãi suất vô cùng hấp dẫn. Cụ thể, chiều hôm qua (26-2), Ngân hàng Techcombank đã đưa ra biểu lãi suất mới, lên tới 14,2%. Tăng mạnh nhất là Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank). Ngân hàng này đã tung ra sản phẩm tiết kiệm mới “Tiết kiệm cho triệu phú” mà theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng là 14,4%/năm. Đây là mức lãi suất kỷ lục trên thị trường tiền gửi ngân hàng Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.  

Chính vì vậy, công điện của NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại "điều chỉnh lãi suất huy động vốn bằng Việt Nam đồng ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc, không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm, nhằm chấm dứt tình trạng dịch chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại, gây xáo trộn thị trường tiền tệ".

Cũng theo công điện này, NHNN đã và đang có các biện pháp hỗ trợ vốn thanh toán cho các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, các ngân hàng quốc doanh tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở và các kênh tái cấp vốn khác của NHNN để đảm bảo khả năng thanh toán và hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại trên thị trường liên ngân hàng, với lãi suất tối đa bằng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở tại phiên giao dịch gần nhất cộng với 1,0%/năm.

Trong cuộc họp giữa NHNN chi nhánh TPHCM và giám đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố sáng 27-2, NHNN cũng cho biết sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn thị trường trong thời gian từ 25-2 đến 31-3. Đó là tiếp tục đưa tiền ra ở mức hợp lý để hỗ trợ nhu cầu thanh khoản (nhu cầu vốn trong hoạt động thanh toán) cho thị trường, áp dụng phương thức đấu thầu khối lượng, ấn định trần lãi suất xoay quanh mức 11%/năm, kỳ hạn 7-28 ngày, tăng lượng tiền cung ứng cho mua ngoại tệ so với hai tháng đầu năm.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn khẩn trương họp lại với nhau với sự tổ chức và tham gia của giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM để thống nhất mức lãi suất huy động, tránh tình trạng giành giựt khách hàng tiền gửi, đảm bảo đến đầu quí 2 năm nay khắc phục được tình trạng thiếu hụt vốn trong thanh toán. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm nay đứng ở mức 8-9%.        

Các chính sách cần đồng bộ  

Trước yêu cầu của NHNN, các ngân hàng hiện đang phải ngồi lại với nhau để đưa ra một giải pháp phù hợp.

Theo Ngân hàng Techcombank (là đơn vị đã đưa mức lãi suất tiền gửi lên đến 14,2%/năm), nếu như chỉ một ngân hàng thực hiện thì biện pháp này sẽ không có ý nghĩa mà nó phải được thực hiện đồng thời tại tất cả các ngân hàng có mức lãi suất cao hơn so với chỉ đạo chung của Thống đốc NHNN. "Hiện tại, chúng tôi đang liên hệ với các ngân hàng khác và phối hợp với các vụ chức năng bên NHNN để lên lộ trình điều chỉnh phù hợp với công điện của thống đốc. Riêng về phía Techcombank, chúng tôi sẵn sàng thực hiện bất cứ lúc nào khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngân hàng thương mại và sự chỉ đạo của NHNN," ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết.   

Hầu hết các ngân hàng thương mại đều không phản đối trước việc bị áp lãi suất trần.

Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, khẳng định ông ủng hộ việc đưa ra lãi suất trần của NHNN vì nếu không có mức trần này thì cuộc đua lãi suất không biết sẽ tiếp diễn tới đâu và những ngân hàng không muốn cũng buộc phải tham gia. Việc áp dụng ngay mức lãi suất trần 12% sẽ đẩy lùi tình hình biến động tiền gửi tại các ngân hàng.  

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng thực ra hiện nay chỉ có một số ít các ngân hàng thương mại có mức lãi suất huy động cao hơn 12% và không phải ai cũng muốn chạy theo lãi suất nên ít ai phản đối quyết định này.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó tổng giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, cho rằng việc áp dụng lãi suất trần về mặt quản lý nhà nước là đúng vì đây là một công cụ điều hành, nhưng xét trên phương diện kinh tế thì thể hiện sự can thiệp sâu vào nền kinh tế. Theo ông, NHNN có thể sử dụng các công cụ khác như lãi suất cơ bản hay cung tín dụng… để làm nhẹ cuộc đua lãi suất vừa qua  

Ông Vũ Thành Tự Anh cho biết các chính sách tiền tệ của NHNN và các chính sách khác chưa đồng bộ để thực hiện mục tiêu kềm chế lạm phát. Các giải pháp của NHNN hiện nay là giải pháp sau nhằm giải quyết hậu quả của giải pháp trước nên không có tính căn cơ. Điều này sẽ dẫn tới việc huy động của ngân hàng trong thời gian tới gặp khó khăn vì lãi suất thực đang âm sẽ không hấp dẫn người gửi tiền, điều này lại đi ngược với ý muốn chống lạm phát của Chính phủ là hút vốn về kênh ngân hàng.

THỦY TRIỀU - KHÁNH CHI 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây