Làm giả giấy tờ ngân hàng để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của doanh nghiệp

Một đối tượng trong đường dây làm giả "Hợp đồng bảo lãnh" của ngân hàng "giúp" DN chứng minh đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.
Một đối tượng trong đường dây làm giả "Hợp đồng bảo lãnh" của ngân hàng "giúp" DN chứng minh đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.

Các đối tượng lừa đảo cũng lừa các DN đang thực hiện dự án nhưng thiếu vốn bằng cách tìm ngân hàng để mở chứng thư bảo lãnh dự phòng (LC dự phòng).

Để chứng minh tài chính đủ khả năng thực hiện dự án, một số doanh nghiệp (DN) thiếu vốn đã phải "chạy" khắp nơi, bỏ ra chi phí lớn để xin được vay vốn, tìm đối tác đầu tư. Tuy nhiên, thực tế có không ít DN dính phải quả lừa khi đã mất hàng tỷ, nhưng chẳng nhận lại được gì ngoài những mảnh giấy… giả. Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành điều tra nhiều vụ án liên quan đến vấn đề này.

Điển hình, trường hợp của Công ty TNHH Thế Khương (phường 2, quận Phú Nhuận) do bà Đôn Thị Kim Hồng làm Giám đốc. Công ty Thế Khương được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cho công ty làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Bá Khang, diện tích 22,3 ha tại ấp Long Bửu và ấp Bến Đò, phường Long Bình, quận 9. Do không đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án nên bà Hồng đã chủ động tìm nguồn vốn khác để tiếp tục đầu tư. Bà Hồng gặp ông Trần Văn Nghĩa - Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Như Lợi - Chủ tịch HĐQT Công ty Milaric Việt Nam (đại diện của Milaric Corp Canada tại Việt Nam), hai bên thỏa thuận, bàn bạc hợp tác đầu tư. Ông Nghĩa và ông Lợi cho biết, ông Nguyễn Như Thế cư trú tại Canada có số tiền 4-5 tỷ USD sẽ chuyển tiền về làm dự án.

Ngày 14/6/2012, bà Hồng đại diện Công ty TNHH Thế Khương ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Milaric Việt Nam do ông Trần Văn Nghĩa làm đại diện. Nội dung hợp tác là giải tỏa đền bù đất nông nghiệp 22,3 ha làm dự án ở quận 9. Sau đó, Công ty TNHH Thế Khương đổi thành Công ty CP Thế Khương, bà Hồng làm Giám đốc và là người đại diện pháp luật, ông Lợi và ông Nghĩa đứng tên cổ đông góp vốn. Để thực hiện hợp đồng, ông Lợi và ông Nghĩa nói không có tiền nên đề nghị bà Hồng vay 230 tỷ làm vốn đối ứng để phía nước ngoài chuyển tiền từ Canada về Việt Nam.

Qua giới thiệu của bạn bè, bà Hồng liên hệ với ông T., Chủ tịch HĐQT Công ty HC cho thuê tài chính (trụ sở chính tại Hà Nội) và sau khi trao đổi, ngày 27/7/2012, bà Hồng ký hợp đồng tư vấn đầu tư với Chi nhánh Công ty HC (tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) với nội dung: "Công ty HC tư vấn cho Công ty Thế Khương ký hợp đồng với đơn vị đầu tư tài chính J.P. (Hồng Kông) để đầu tư vào dự án ở quận 9 với số tiền 100 triệu USD".

Thực tế, Công ty Vạn Lý Phát không có chức năng cho thuê tài chính, không đủ năng lực tài chính và cũng không đủ điều kiện cho Công ty Thế Khương thuê bao tài chính số tiền 230 tỷ đồng, nhưng ông Tăng vẫn đồng ý thực hiện. Ngay sau đó, hợp đồng cho thuê tài chính số 008/HĐTTC/VLP-TK đã được ký giữa bà Hồng và ông Huỳnh Văn Tăng với nội dung: "Công ty CP Vạn Lý Phát tư vấn giúp Công ty CP Thế Khương thuê bao tài chính (chứng minh số dư) số tiền trên. Ngược lại bà Hồng phải trả chi phí thuê bao tài chính cho Huỳnh Văn Tăng số tiền 5 tỷ 980 triệu đồng".

Ngay sau khi ký hợp đồng, bà Hồng trả cho Công ty HC 10.000 USD. Hôm sau 28/7, bà Hồng và Công ty HC tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ tư vấn để Công ty Thế Khương được thuê bao tài chính với số tiền 230 tỷ đồng trong thời hạn 13 tháng, với mức phí 44 tỷ 850 triệu đồng. Ngay sau khi hợp đồng này được ký kết, ông T. liền dẫn bà Hồng đến gặp ông Huỳnh Văn Tăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Vạn Lý Phát (trụ sở phường 15, quận Gò Vấp) để "chuyển nhượng" lại cho ông Tăng thực hiện việc xác nhận số dư 230 tỷ đồng cho Công ty Thế Khương.

Ngày 3/8/2012, theo hướng dẫn của ông T. và ông Tăng, bà Hồng mở tài khoản 100414851037787 đứng tên Công ty Thế Khương tại ngân hàng Eximbank và giao số tài khoản này cho Tăng. Hôm sau, ông Tăng giao cho bà Hồng bản chính "Hợp đồng tiền gửi" số 109710322-TGKH/Eximbank nội dung: Công ty CP Thế Khương có gửi số tiền 231 tỷ đồng (làm tròn), lãi suất 14%, kỳ hạn 15 tháng tại ngân hàng và "giấy xác nhận số dư" số 07/XNSD-12 nội dung xác nhận số tài khoản 100414851037787 của Công ty Thế Khương có số tiền 231 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank Chi nhánh Chợ Lớn. Trên các giấy tờ này đều có chữ ký của Giám đốc Eximbank Chi nhánh Chợ Lớn và đóng dấu mộc đỏ.

Sau khi nhận giấy tờ trên, bà Hồng giao đủ 5 tỷ 980 triệu đồng cho Tăng. Ông T. còn căn dặn bà Hồng để từ từ giao giấy tờ trên cho Công ty Milaric. Nhưng do nóng vội nên bà Hồng đã gửi email cho Milaric. Mấy hôm sau, bà Hồng không thể tin nổi khi nghe Ngân hàng thông báo, "hợp đồng tiền gửi" (số 109710322 ngày 3/8/2012) và "giấy xác nhận số dư" (số 07/XNSD-12 ngày 3/8/2012) do Công ty Milaric Việt Nam gửi đến để xác minh là hoàn toàn giả mạo.

Cũng để có vốn thực hiện dự án, Công ty Đông Cường (trụ sở Hà Nội) cũng đã tìm thuê người làm giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Ngân hàng với số tiền 1,865 tỷ đồng mà không phải nộp tiền ký quỹ vào Ngân hàng. Nhận thực hiện phi vụ này là nhóm của Đỗ Đức Tuấn. Sau khi nhận tiền chi phí, Tuấn cùng đồng bọn giao cho ông Nguyễn Hồng Đức (người thuê Tuấn làm) "Hợp đồng bảo lãnh" giả số 60/HĐBL-TSN trên hợp đồng có ký tên, đóng dấu giả của Giám đốc Phòng giao dịch Tân Sơn Nhất - chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Gia Định, ký bảo lãnh cho Công ty Đông Cường số tiền 1,865 tỷ đồng để công ty này thực hiện hợp đồng.

Đồng thời, xác nhận Công ty Đông Cường đã ký quỹ 100% số tiền trên trong tài khoản đơn vị tại Phòng giao dịch Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả "Giấy xác nhận số dư" ngân hàng với số tiền 20 tỷ cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bình An (Quảng Bình); làm giả "Giấy xác nhận số dư" 50 tỷ đồng cho một công ty xây dựng ở quận 7, TP Hồ Chí Minh "giúp" công ty này chứng minh khả năng tài chính để thực hiện dự án.

Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo cũng lừa các DN đang thực hiện dự án nhưng thiếu vốn bằng cách tìm ngân hàng để mở chứng thư bảo lãnh dự phòng (LC dự phòng). Theo đó, các đối tượng cho DN biết là đã tìm được ngân hàng, nhưng để mở LC dự phòng thì cần phải ký quỹ cho ngân hàng hoặc là phải trả chi phí. Sau khi nhận tiền từ DN để mở LC dự phòng, các đối tượng này chiếm đoạt tiền rồi "cao chạy, xa bay".

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, các đối tượng làm giả "giấy xác nhận số dư ngân hàng", "chứng thư bảo lãnh thanh toán cho DN"… không chỉ có DN "ma" mà còn có nhiều cá nhân "móc nối" với một số cán bộ ngân hàng hoặc một số người đang hành nghề môi giới vay vốn, đáo hạn ngân hàng… thực hiện.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây