Lạm phát cao: mua cổ phiếu ngành nào?

Giá cổ phiếu Việt Nam đã mất gần 50% so với đỉnh cao hồi tháng 3/2007. Nhiều nhà đầu tư đã tính tới khả năng mua vào cổ phiếu của một số ngành. (Ảnh: LAD)

Kết thúc giao dịch sáng 28/2, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm nhẹ 8,37 điểm (tương đương giảm 1,21%) xuống 678,12 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giảm gần 50% so với đỉnh cao ghi được vào ngày 12/3/2007 là 1.170,67 điểm.

Khối lượng giao dịch phiên này giảm xuống gần 8,8 triệu đơn vị, trị giá 532,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục giảm cả về giá và khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu hạng trung đã quay đầu tăng giá, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện.

Đa số cổ phiếu HOSE tiếp tục giảm giá

Mặc dù trước đó có một vài thông tin hỗ trợ tích cực nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại thị trường vẫn chưa thể ổn định ngay được, bởi giá nguyên nhiên liệu vẫn tiếp tục tăng bên cạnh đó mức lạm phát ở mức cao. Trong 2 tháng đầu năm tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên đến 6%, thị trường tiền tệ vẫn chưa ổn định sau cuộc đua lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/2, trong tổng số 150 cổ phiếu và 3 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) , 31 cổ phiếu tăng giá, 30 cổ phiếu giữ giá tham chiếu, 89 cổ phiếu giảm giá.

3 chứng chỉ quỹ có 2 chứng chỉ quỹ giảm giá là PRUBF1 và VFMVF1 giảm tương ứng 100 đồng xuống 10.200 đồng/ccq và 300 đồng xuống 20.500 đồng/ccq; MAFPF1 tăng 200 đồng lên 8.600 đồng/ccq.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường gây thất vọng khi chỉ có PVD của Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí tăng nhẹ 1.000 đồng lên 117.000 đồng/cổ phiếu.

Các mã còn lại đều đứng giá và giảm giá, cụ thể, đại gia STB của Sacombank và HPG của Hoà Phát cùng nhau giảm 500 đồng xuống 52.000 đồng/cổ phiếu và 82.500 đồng/cổ phiếu.

2 cổ phiếu trong nhóm này giảm 4.000 đồng là ITA của CTCP KCN Tân Tạo và SSI của Chứng khoán Sài Gòn xuống lần lượt 90.000 đồng/cổ phiếu và 93.000 đồng/cổ phiếu; FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và VNM của Vinamilk cùng giảm 3.000 đồng xuống 148.000 đồng/cổ phiếu và 122.000 đồng/cổ phiếu.

Còn lại DPM của Đạm Phú Mỹ, VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl và PPC của Nhiệt điện Phả Lại đứng giá ở các mức 57.000 đồng/cổ phiếu, 125.000 đồng/cổ phiếu và 48.000 đồng/cổ phiếu.

Phiên giao dịch này ghi nhận 18 giảm giá sàn, trong đó DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang vẫn không có cơ hội nào tiếp tục có 125.590 cổ phiếu đặt bán giá sàn trong, kết thúc giao dịch DQC giảm tiếp 9.000 đồng xuống 189.000 đồng/cổ phiếu.

DXV CTCP Xi măng VLXD Đà Nẵng là cổ phiếu mới nhất trên sàn cũng tiếp tục có phiên giảm 1.600 đồng xuống 30.400 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra còn một số mã khác như IMP, RAL, SC5, VHG, SJS, HDC...

Cổ phiếu ngành nào hấp dẫn khi lạm phát cao?

Mặc dù đối mặt với khá nhiều khó khăn như xu hướng giảm chung trên thị trường, lạm phát trong 2 tháng đầu năm đứng ở mức cao kỷ lục, giá nguyên nhiên liệu đầu vào đang tiếp tục tăng, chứng khoán thế giới vẫn còn chao đảo, vàng tăng phi mã từng ngày…nhưng khá nhiều cổ phiếu đã quay đầu bứt phá trong phiên giao dịch sáng nay.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/2 cổ phiếu HBD, TMS và BPC tăng kịch trần. Rất nhiều cổ phiếu khác tăng mạnh như AGF, BHS, CLC, HAX, LAF, MPC, SJD, UNI, VIC…

Nằm trong xu hướng giảm chung của thị trường rất nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2007 và có khả năng vượt qua khó khăn trong năm 2008 nhưng tất cả đều giảm từ 30-50% trong vài tháng qua.

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để các nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn.

Theo ý kiến của Sarat Seth, Giám đốc của Douglas C. Lane, một công ty tư vấn đầu tư lớn tại Mỹ, trong bối cảnh giá tiêu dùng ở tất cả các quốc gia trên thế giới đang ở mức cao như hiện nay, khiến cho lạm phát có nguy cơ tăng mạnh, thì các nhà đầu tư nên xem xét đầu tư vào cổ phiếu các công ty thực phẩm, một mặt hàng thiết yếu. Bởi lẽ, người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua lương thực chừng nào họ còn cần nó cho gia đình họ, con cái họ.

Còn theo Jason Trennert, trưởng nhóm nghiên cứu chiến lược của một tập đoàn tài chính Mỹ, các nhà đầu tư mới nên đầu tư vào các công ty công nghệ bởi các công ty này thường không hay bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu, tăng trưởng lại ổn định, tình hình tài chính sáng sủa, ít nợ nần và lại có khả năng đạt doanh thu lớn.

Một ý kiến khác lại cho rằng các nhà đầu tư nên nhắm tới các công ty mà trước đây nguồn tiền dự trữ nhàn rỗi lớn và cách thức điều hành công việc kinh doanh của họ mang tính quan liêu, tư bản nay đã được đổi mới và mang lại những kết quả cải thiện đáng kể.

Sàn Hà Nội: HASTC-Index tăng nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/2, sàn chứng khoán Hà Nội có phiên tăng điểm nhẹ thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch sụt giảm khá mạnh.

Xu hướng của thị trường giai đoạn hiện nay rất khó xác định khi thông tin tốt và xấu đan xen lẫn lộn. Thị trường chưa xuất hiện một “điểm tựa” thật vững chắc để có thể bật lên mạnh mẽ. Tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư thời điểm này là khá quan ngại, dè dặt, giao dịch cầm chừng.

Màu đỏ tiếp tục là màu chủ đạo trên bảng điện tử giao dịch sàn Hà Nội khi số mã giảm giá vẫn chiếm áp đảo là 94 mã, trong khi đó chỉ có 29 mã tăng giá, 1 mã đứng giá và 5 mã không có giao dịch.

Tổng khối lượng giao dịch phiên này giảm trên 20% đạt hơn 3,3 triệu cổ phiếu, giá trị giảm 16% đạt 222 tỷ đồng.

Chỉ số HASTC-Index của sàn Hà Nội nhích nhẹ thêm 0,05 điểm (tương đương tăng 0,02%) chốt phiên ở mức 232,38 điểm.

Một vài cổ phiếu lớn trên sàn Hà Nội phiên này đã tìm lại được “cảm giác ghi điểm” của mình. Đại gia ACB quay đầu tăng nhẹ 300 đồng lên 107.000 đồng với khối lượng giao dịch tiếp tục đứng đầu bảng đạt hơn 370.000 cổ phiếu. NTP phiên này tiếp tục tăng thêm 300 đồng đạt 82.600 đồng, PVS đảo chiều tăng nhẹ 100 đồng lên mức 72.700 đồng.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu lớn khác vẫn tiếp tục chìm trong cơn bão mất điểm. BMI giảm 700 đồng, BVS giảm 3.000 đồng, KBC giảm 400 đồng, KLS giảm 500 đồng, PVI quay đầu giảm 200 đồng, PVC giảm 100 đồng, RCL giảm 2.000 đồng, S99 giảm 5.600 đồng, SCJ giảm 3.300 đồng, PAN giảm 3.400 đồng, SD7 giảm 2.900 đồng, TBC giảm 100 đồng, VC2 giảm 3.100 đồng, VNR giảm 100 đồng…

Nhất Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây