Lượng tiêu thụ nhiều ngành hàng sụt giảm nghiêm trọng

Da giày Việt Nam chịu sức ép lớn với đối thủ Trung Quốc, Thái Lan (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Quay trở về thị trường nội địa, giảm giá liên tục song tình hình đầu ra của nhiều ngành hàng Việt Nam trong 3 tháng qua vẫn chưa khởi sắc hơn.

Theo Bộ Công thương, khi thị trường bị thu hẹp, sức ép cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngày càng gay gắt không chỉ ở xuất khẩu mà còn ở cả thị trường trong nước. Điển hình là 4 ngành dệt may, da giầy, thép và giấy.

 Với dệt may, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm tới 30 - 50% và giá bán sản phẩm cũng đã giảm 20% - 30%. Mức tiêu dùng hàng dệt may cao cấp suy giảm mạnh nhất trong khi, đây lại là phân khúc thị trường có tỷ trọng cao trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

 Các thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam như Mỹ, EU sụt giảm mạnh, trong đó thị trường Mỹ giảm nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam trên 15%. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia .

 Bộ Công thương đánh giá, việc xúc tiến vào các thị trường mới như Nga, châu Phi và Trung Đông được coi là tiềm năng nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đối với Nga, hiện thuế suất nhập khẩu dệt may vào Nga rất cao, 20 USD/kg hàng hóa nên cần có sự tháo gỡ chính sách vĩ mô giữa hai nước. Châu Phi là thị trường cấp thấp nên khó có thể cạnh tranh về giá cả với hàng dệt may Trung Quốc.

 Tương tự như dệt may, ngành da giầy cũng bị sụt giảm mạnh về đơn hàng xuất khẩu, nhất là từ thị trường châu Âu.

 Việc quay trở lại thị trường nội địa của các doanh nghiệp cũng gian nan không kém. Với sản phẩm giầy dép, lượng tiêu thụ trong nước giảm đã khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp dệt may lớn sẽ phải chịu sự cạnh tranh với các cơ sở tư nhân. Lợi thế so sánh sẽ không bằng với các cơ sở này do may công nghiệp chi phí sẽ cao hơn so với may đơn lẻ.

 Ngoài ra, một đặc thù của 2 ngành hàng này là lâu nay, thị phần trên thị trường nội địa đã bị một số công ty nước ngoài chiếm lĩnh, nhất là Trung Quốc, Thái Lan.

 Hai ngành công nghiệp quan trọng khác cũng đang bị tồn đọng hàng, chịu áp lực cạnh tranh khắc nghiệt là giấy và thép.

 Các doanh nghiệp giấy đã giảm giá bán từ 5 - 15% ít nhất hai lần trong quý I nhưng vẫn yếu thế hơn so với giấy nhập ngoại giá rẻ hơn 500.000 - 800.000 đồng/tấn. Lượng giấy tồn kho hiện khoảng 100.000 tấn giấy các loại. Các nhà máy nhỏ, công suất dưới 10.000 tấn/năm phải đóng cửa, các nhà máy còn lại chỉ huy động được 50 - 60% công suất.

 Các doanh nghiệp thép trong nước cũng đã liên tục giảm giá bán, với mức giảm từ 800.000 - 900.000 đồng/tấn nhưng cũng đang lao đao với tình trạng ồ át thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và từ các nước ASEAN chỉ chịu thuế nhập khẩu 0 - 5%. Nhiều loại thép nhập khẩu đã phá giá thị trường, bán thấp hơn 1 triệu đồng/tấn so với giá thị trường. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy còn 10,25 triệu đồng/tấn, thép tròn khoảng 10,84 triệu đồng/tấn, giảm 29,5% so với giá cùng thời điểm năm 2008. Lượng thép thành phẩm tồn kho khoảng 220 nghìn tấn và phôi thép khoảng 380 nghìn tấn.

 Vì vậy, Bộ Công thương đánh giá, mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay là phải cố gắng tìm kiếm hợp đồng, duy trì thị trường. Thậm chí, lợi nhuận thấp hoặc hòa vốn, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận bán để tồn tại và tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện để ngăn ngừa tình trạng hàng nhập ngoại phá giá thị trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây