Trở lại quá khứ, sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2006 hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp, trong khi việc thay đổi lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khiến dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào những tháng cuối năm 2013, thị trường xuất hiện những nhân tố làm hé mở cơ hội để nền kinh tế đón nhận một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, thông qua các kênh FDI và FII.
Gia nhập WTO, vốn FDI đạt kỷ lục vào năm 2008
Việc thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO đã tác động tích cực tới việc thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2006, khi Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập WTO thì dòng vốn FDI đăng ký tăng lên 7,6 tỷ USD - con số cao nhất kỷ lục so với nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, hai năm sau đó, số vốn đăng ký còn ấn tượng hơn nhiều. Năm 2007, vốn FDI đăng ký đạt 17,9 tỷ USD, tăng 135% so với năm 2006 và năm 2008 được coi là năm có số vốn đăng ký FDI cao nhất trong lịch sử thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 60,3 tỷ USD.
Với sự phát triển năng động, khu vực FDI đã có những đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước, với tỷ lệ tăng dần theo thời gian, từ 2% GDP (1992), lên 12,7% GDP (2000), 16,98% GDP (2006) và 18,97% GDP (2011).
Dù còn một số hạn chế và tác động không mong muốn, tuy nhiên theo Báo cáo Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam sau 05 năm gia nhập WTO thì hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào các ngành, lĩnh vực trong thời gian qua đã có tác dụng nhất định đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tạo sự liên kết câc doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị và mạng sản xuất trong khu vực và quốc tế, khuyến khích họ nâng cao năng lực quản trị, đổi mới chiến lược kinh doanh và cải tiến công nghệ để phát triển trong môi trường hợp tác và cạnh tranh.
Nới “room”, vốn ngoại vào thị trường niêm yết đạt kỷ lục vào năm 2007
Ngày 29/9/2005 là mốc đáng nhớ với thị trường chứng khoán khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN từ 30% lên 49% (không bao gồm một số ngành hạn chế).
Nhờ quyết định này, dòng vốn ngoại đã có thêm dư địa để chảy mạnh vào thị trường, giúp giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường niêm yết đã đạt mức cao nhất vào năm 2007 với giá trị mua ròng tại riêng HSX đạt 22.875 tỷ đồng.
Ảnh hưởng tích cực từ sức mua của dòng vốn ngoại, Vn-Index đã tăng 144% trong năm 2006, và 23% trong năm 2007. Vài năm sau quyết định này nhiều cổ phiếu đã được nhà ĐTNN mua kín “room” và đang chờ đợi để có cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu, tạo cú huých giúp thanh khoản và diễn biến giá của các cổ phiếu niêm yết tăng mạnh những năm sau đó,
TPP và điều chỉnh chính sách “room” liệu có tạo được làn sóng đầu tư mới?
Tính đến tháng 8 năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 12,63 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Dòng vốn ngoại tăng trở lại nhờ phần nhiều vào những cải thiện trong tình hình kinh tế vĩ mô, nhưng không loại trừ có kỳ vọng của việc Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP. Tham gia TPP, là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Một số chuyên gia cho rằng, các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của VN sang các nước này cũng như các thành viên khác của TPP nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực. Những nhân tố này sẽ kéo dòng vồn FDI mới đầu tư vào Việt Nam, bởi ngoài việc đầu tư vào Việt Nam các doanh nghiệp này sẽ được hưởng các lợi ích của TPP, nhưng mặt khác việc tham gia TPP còn tạo ra lộ trình cho việc cải thiện môi trường đầu tư.
Cùng với kỳ vọng ở việc hoàn tất đàm phán TPP, những đột phá về “room” đang hứa hẹn sẽ tạo ra đột phá về “chất” cho các doanh nghiệp. Thông tin gần đây cho thấy khả năng sẽ có những điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà ĐTNN, đó là khả năng cho phép doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nới tỷ lệ sở hữu tại một số ngành lĩnh vực không hạn chế, một số ngành theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO.
Trong điều kiện doanh nghiệp và thị trường đang thiếu vốn, việc mở cơ hội cho nhà đầu tư nước đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp, thị trường cải thiện được thanh khoản. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của đợt điều chỉnh “room” này còn mạnh hơn bởi, nếu tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại được nâng trên 49% ở một số ngành, lĩnh vực, nó không chỉ tạo thêm khoảng trống cho những nhà đầu tư tài chính mà còn tạo ra nhu cầu đầu tư với mục tiêu quản lý, sở hữu doanh nghiệp.
Chưa thể khẳng định mức độ tham gia của nhà ĐTNN sẽ mạnh như giai đoạn 2006-2007, tuy nhiên khả năng xuất hiện các sự kiện khá giống với giai đoạn 2005, 2006 đang tạo ra cơ sở để kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới của dòng vốn ngoại, một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng cho thị trường chứng khoán.