![]() |
Lạm phát là hiện tượng ngẫu nhiên tồn tại khách quan trong các nền kinh tế
|
Từ các nhà hoạch định chính sách đến các doanh nghiệp, từ các giáo sư đến các sinh viên, từ các nhà nghiên cứu kinh tế đến những người thực hành, từ anh kỹ sư đến cô nội trợ, từ anh công nhân đến bác nông dân, từ người giàu đến người nghèo và đến cả bản thân tôi, mỗi người bàn đến vấn đề lạm phát từ những góc độ khác nhau và cũng xuất phát từ những mục đích khác nhau.
Để hiểu rõ hiện tượng lạm phát cũng như các hiện tượng tài chính - tiền tệ trong các nền kinh tế, trước hết chúng ta cần phải hiểu được bản chất của tiền tệ và các chức năng của nó. Không phải ngẫu nhiên mà nội dung tiền tệ thường được các sách kinh tế học (kể cả kinh tế chính trị học, tài chính - tiền tệ) bàn đến đầu tiên. Trong giới hạn bài viết này, tác giả chỉ muốn chia sẻ một suy nghĩ nhỏ của mình về vấn đề nhìn nhận lạm phát.
Hiện nay, ở Việt Nam, về cách hiểu và định nghĩa lạm phát, có thể chia ra hai trường phái: lạm phát giá cả và lạm phát tiền tệ. Nội dung cơ bản của hai dòng quan điểm này là: những người theo trường phái lạm phát giá cả cho rằng, hiện tượng lạm phát là do giá cả tăng lên, nói chính xác là mức giá cả chung tăng lên theo thời gian; trong khi đó, người theo trường phái lạm phát tiền tệ cho rằng, lạm phát có căn nguyên là tiền tệ, hay nói chính xác là do sức mua của tiền tệ giảm theo thời gian. Vậy, nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đều biết, tiền tệ là vật ngang giá chung dùng để đo lường, biểu thị giá trị của hàng hoá (chức năng thước đo giá trị) và qua đó giúp cho hàng hoá có thể lưu thông (chức năng phương tiện trao đổi). Hàng hoá sản xuất ra yêu cầu cần phải lưu thông, trao đổi, tức để bán. Để có thể trao đổi được thì cần phải xác định được giá trị trao đổi. Như vậy, chức năng phương tiện trao đổi ra đời là yêu cầu khách quan của tiền tệ, góp phần làm cho lưu thông hàng hoá được diễn ra một cách thuận lợi, thông suốt và dễ dàng. Nhưng trước khi thực hiện chức năng phương tiện trao đổi thì đòi hỏi tiền tệ phải làm tốt chức năng thước đo giá trị. Chức năng thước đo giá trị phải có trước, sau đó mới có chức năng phương tiện trao đổi. Song, chức năng phương tiện trao đổi là mục đích chính để từ đó phải có chức năng thước đo giá trị.
Kinh tế chính trị học đã chỉ rõ, để tiền làm chức năng thước đo giá trị của hàng hoá thì bản thân tiền phải có giá trị. Điều này cũng giống như yêu cầu về tư chất đạo đức của người làm công việc đánh giá tư chất đạo đức của người khác. Nếu người làm công việc này bị xã hội cho rằng có đạo đức kém, thì những đánh giá của người đó là không đáng tin cậy, không có ý nghĩa, thiếu thuyết phục.
Ban đầu, tiền là hàng hoá (hoá tệ) bởi hàng hoá tự nó phải có giá trị (và giá trị sử dụng). Hàng hoá khi được dùng làm tiền, nó đã tỏ ra là người có năng khiếu bẩm sinh. Hàng hoá dùng làm tiền tồn tại dưới hình thức là vàng (chế độ bản vị vàng) đã xoá bỏ mọi tranh cãi về lạm phát. Đây là một trong những nội dung cốt lõi để hiểu về lạm phát. Sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng với nhiều nguyên nhân đã chỉ rõ trong các sách kinh tế và sự ra đời của chế độ tiền dấu hiệu (fiat money) từ chế độ bản vị bảng Anh đến chế độ đồng USD, rồi chế độ tiền giấy pháp định ngày nay. Quá trình này làm cho các hệ thống tiền tệ luôn đứng trước khả năng (chính xác hơn là một hiện thực) "lún sâu" vào các cuộc lạm phát.
Vấn đề được dẫn dụ như thế này. Giả sử, trước đây có một loại hàng hoá có giá trị 100.000 đồng/sản phẩm thì với một tờ tiền có mệnh giá 100.000 đồng, chúng ta có thể mua được 1 sản phẩm. Nay vì lý do gì đó, tờ tiền này bị mất giá trị 50%, nghĩa là mệnh giá của tờ tiền vẫn 100.000 đồng nhưng để mua được cùng loại hàng hoá trên ta phải bỏ ra 2 tờ cho 1 sản phẩm như trước. Lưu ý rằng, hàng hoá trên giá trị vẫn không đổi bởi không hề có một yếu tố nào tác động đến giá trị của nó cả. Giá trị không đổi thì giá cả cũng phải không đổi, vì xét theo lý thuyết (thị trường cạnh tranh hoàn hảo), giá cả chỉ là hình thức biểu hiện cho giá trị (không có điều ngược lại, mà giá trị là nội dung của giá cả). Vì vậy, nếu nhìn vào hiện tượng, thấy giá cả hàng hoá này là 200.000 đồng (do người mua hàng phải trả 2 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng để mua) thì chớ có lầm tưởng rằng, giá trị của hàng hoá này là 200.000 đồng (tăng thêm 100.000 đồng). Về bản chất thì giá trị hàng hoá không đổi trong khi sức mua của tờ tiền giảm sút.
Từ đây, có thể kết luận rằng, khái niệm lạm phát là hiện tượng (tình trạng) mức giá chung tăng lên, điều này không sai, nhưng như chính bề mặt (câu từ) khái niệm này đã nói lên rằng, nó chỉ cho thấy hiện tượng của lạm phát mà chưa thấy được bản chất. Cũng giống như không ai nhìn thấy được bản chất của con người mà chỉ nhìn thấy được hiện tượng của họ để từ đó nhận thức được bản chất mà thôi. Nếu bản chất của ai đó được xã hội đánh giá xấu (tất nhiên, chỉ mới trong suy nghĩ của ai đó) thì tạm thời hiện tượng có thể phản ánh sai lệch bản chất do tính chủ quan của con người. Song, không sớm thì muộn, bản chất đó sẽ được thể hiện qua hiện tượng chứ không có điều ngược lại rằng, bản chất sẽ phải thay đổi theo hiện tượng. Nghĩa là, không thể giá trị của loại hàng hoá trên phải tăng lên 200.000 đồng cho đúng bằng giá cả, mà mức giá 200.000 đồng kia phải được điều chỉnh về 100.000 đồng. Hơn nữa, điều chỉnh giá cả từ 200.000 đồng về mức giá để phản ánh đúng trị là 100.000 đồng không phải từ chính hàng hoá đó mà phải chính từ loại hàng hoá đặc biệt làm vật ngang giá, tức là tiền.
Vấn đề chưa thể dừng lại ở đây, mà sẽ được giải quyết khi chúng ta lý giải được vì sao tờ tiền trên bị mất giá trị 50%. Chúng ta biết rằng, tờ tiền ban đầu đảm trách tốt chức năng thước đo giá trị và do vậy, cũng thực hiện hoàn hảo chức năng phương tiện trao đổi thông qua hình thức biểu hiện là giá cả. Điều này chỉ có được khi tiền bản thân nó có giá trị nội tại (như vàng), còn với tiền dấu hiệu thì giá trị của tờ giấy làm tiền (chi phí làm ra tờ tiền) không thể bằng sức mua của nó hay giá trị của hàng hoá (vàng) mà nó là đại diện. 100.000 đồng kia không phải là giá trị của bản thân tờ tiền mà là cái giá trị đại diện cho một lượng giá trị hàng hoá. Khi chúng ta nói giá trị của tờ tiền giảm 50% tức là nói cái giá trị đại diện kia giảm 50%. Lý do từ đâu? Lý do được tìm thấy ở chính quy luật lưu thông tiền tệ và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Với 100 bao gạo định sẵn thì với 50 người vác, mỗi người sẽ vác 2 bao, nhưng tăng cường thêm 50 người nữa thì không thể nói ngược rằng, mỗi người vẫn vác 2 bao để 100 người vác được 200 bao gạo, mà phải nói xuôi là, mỗi người chỉ vác 1 bao mà thôi. Còn nếu muốn vẫn duy trì mỗi người vác 2 bao thì cần tăng thêm 100 bao gạo nữa, tức phải tăng thêm một lượng giá trị hàng hoá tương ứng bằng việc sản xuất ra một lượng sản phẩm hàng hoá tăng thêm.
Vậy, lạm phát là một thuật ngữ kinh tế mà bản chất của nó là giá trị danh nghĩa (mệnh giá) của tiền bị suy giảm một cách tương đối so với cái giá trị mà đáng lẽ nó phải đại diện tốt khi nó "dám" xung phong làm đại diện. Khi con người "đẻ” ra tiền dấu hiệu thì họ cũng phải chịu trách nhiệm "nuôi dạy" và "chỉ bảo" nó. Chính chính sách tiền tệ mới là thủ phạm chính gây ra lạm phát vì nó có thể làm ảnh hưởng đến cung tiền và từ đó là sức mua của tiền tệ. Lạm phát là một vấn đề thuộc về tiền tệ, chính sách tiền tệ phải có nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định sức mua của tiền tệ và phải chịu trách nhiệm trước tình trạng lạm phát trong nền kinh tế.
Lạm phát là một hiện tượng ngẫu nhiên tồn tại khách quan trong các nền kinh tế có lưu thông tiền dấu hiệu. Diệt hẳn lạm phát là điều cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, khi vẫn còn tiền dấu hiệu. Xóa bỏ tiền dấu hiệu buộc con người phải nghĩ ra một chế độ tiền tệ mới. Chừng nào nghĩ ra thì đó cũng là thời điểm đánh dấu sự chín muồi cho một sự quá độ từ chế độ tiền tệ này sang một chế độ tiền tệ khác như nó đã từng diễn ra trong lịch sử.
Đỗ Thiên Tuấn