Năm 2008, lạm phát của Việt Nam trên dưới 19%

Việc hy sinh mục tiêu tăng trưởng khoảng 1% sẽ giúp cho Việt Nam đạt được lợi ích to lớn hơn nhiều.

Báo cáo Cập nhật về tình hình khu vực Đông Á Thái Bình Dương tháng 4/2008 của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố sáng nay (1/4) đã dự báo như vậy. 
Tăng trưởng quá nóng?
Dựa trên các số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê Việt Nam và tình hình chung của kinh tế thế giới, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.
 
Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh từ mức 6,6% (tháng 12/2006) lên mức 15,7% tính đến tháng 2/2008.
 
Một mặt, lạm phát gia tăng thể hiện sự gia tăng giá quốc tế, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng. Đồng thời đi cùng đó là việc gắn chính sách tỷ giá đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ và một nền kinh tế đang ngày càng mở cửa, sự biến động về giá cả của thế giới đã được phản ánh nhanh chóng trong mặt bằng giá trong nước.
 
Giá xăng dầu trong nước tăng cũng phản ánh việc từng bước xoá bỏ trợ giá của Chính phủ đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước.
 
Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Martin Rama cho rằng, đây là một chính sách hợp lý từ góc độ quản lý ngân sách nhà nước.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2007 đã ghi nhận cán cân vãng lai thâm hụt ở mức đáng lo ngại, ước khoảng 9,3% - 9,7% GDP. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gấn 40%, trong đó máy móc thiết bị tăng 56,5% do nhu cầu đầu tư của các dự án lớn trong nước. Mức tăng nhập khẩu cũng cao tương tự đối với nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu dùng trong sản xuất hàng may mặc và giày dép xuất khẩu, hoá chất, sản xuất thức ăn giá súc… ước tăng khoảng 40%.
 
Cũng đồng thời trong năm 2007, giá tài sản tại Việt Nam tăng cao nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là xúc tác, trợ lực cho giá cổ phiếu những tháng đầu năm 2007 tăng phi mã, đã có lúc VN-Index lên đến trên 1.200 điểm. Tuy nhiên, cơn sốt cổ phiếu lập tức chuyển qua kênh bất động sản vào những tháng cuối năm 2007, giá nhà đất tăng đột biến, gây ra tình trạng bong bóng trên thị trường BĐS.
 
Trong báo cáo công bố sáng nay, WB cho rằng, “tăng trưởng quá nóng không phải là kết quả của việc chi tiêu ngân sách quá cao của Chính phủ”.
 
Dựa theo tiêu chuẩn quốc tế thì mức thâm hụt ngân sách của Việt nam trong năm 2007 ước khoảng 1% GDP. Mức đánh giá sơ bộ này không khác nhiều so với các năm trước.
 
Thâm hụt ngân sách chung (bao gồm cả các hạng mục chi tiêu ngoài ngân sách như phát hành trái phiếu của Chính phủ cho phát triển giáo dục, hạ tầng cơ sở, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại quốc doanh) ước tính ở mức 5% GDP.
 
Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong năm 2007 thì lại ở mức rất cao, từ 25,4% vào năm 2006 lên hơn 50% tính đến hết tháng 11/2007.
 
Tốc độ tăng quá lớn này đã gây ra những mối quan ngại về chất lượng các hạng mục đầu tư của ngân hàng. Tín dụng của các ngân hàng cổ phần tăng cao đến 95%, trong khi mức tín dụng của các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ ở mức 25%.
 
Tình tạng “tam bất khả thi”
 
Quá trình chu chuyển dòng vốn, tỷ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập tạo thành bộ ba “tam pháp bất khả thi”.
 
Gia nhập WTO đã tạo cho Việt Nam lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến hết năm 2007, cam kết đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tăng gấp đôi năm 2006, lên mức 20,3 tỷ USD, tổng giá trị thị trường chứng khoán đạt tới 43% GDP tính đến cuối năm 2007, so mức 1,5% của năm 2005.
 
Việc lượng ngoại tệ vào nhiều đã khiến cho NHNN Việt Nam “đau đầu” trong việc đưa ra những chính sách ứng xử thích hợp.
 
Trong thời gian cuối năm 2007 - đầu năm 2008, NHNN đã có những biện pháp dường như trái ngược nhau dẫn đến tình trạng thiếu khả năng thanh toán cuả hệ thống ngân hàng thương mại. NHNN mua vốn vào để duy trì tỷ giá tiền đồng đã làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tiền đồng trong nền kinh tế. Tính thanh khoản có thể được nâng cao nhờ nghiệp vụ trung hoà, song NHNN gần như đã bán hết trái phiếu Chính phủ.
 
Đến quý 4/2007, NHNN đã không thể tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt cung tiền đồng bằng cách bán hối phiếu do tỷ giá đưa ra thiếu tính hấp dẫn.
 
Việc tín dụng tăng hơn 50% trong năm 2007 đã góp phần làm tăng giá, tăng nhập khẩu và tạo bong bóng trên thị trường bất động sản.
 
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2008, Báo cáo của WB đanh giá nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng chậm lại theo tình hình kinh tế chung của thế giới.
 
Tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 8,0% trong năm 2008, trong trường hợp thấp nhất, tăng trưởng sẽ rơi vào khoảng 7,5%. Tuy nhiên mức lạm phát của Việt Nam sẽ trên dưới 19%.
 
Theo ông Martin Rama, việc hy sinh mục tiêu tăng trưởng khoảng 1% sẽ giúp cho Việt Nam đạt được lợi ích to lớn hơn nhiều.
Minh Yến 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây