Năm Kỷ Sửu: Tết thanh đạm?

Cân nhắc nhiều hơn trước khi mua hàng.

Thời gian đến năm mới 2009 không còn dài. Thời điểm này, mọi năm, tình hình mua bán tại các chợ đã sôi động. Nhưng, năm nay, hầu hết các chợ đều vắng bóng người mua.

Tết nghèo

Lạm phát đã tác động mạnh mẽ đến phần đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp. Ở nhiều doanh nghiệp, tình trạng trễ lương, thậm chí nợ lương công nhân đã khiến đời sống của không ít người làm công ăn lương trở nên chật vật.

Anh Nguyễn Văn Đồng, nhân viên của một doanh nghiệp FDI cho biết, đã nửa năm nay, từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ và lan rộng, công ty anh luôn chậm trả lương cho nhân viên đến gần một tháng.

Anh Đồng cho biết, trước đây, thu nhập của anh cùng với thu nhập từ gian hàng bán trứng tại chợ Bà Chiểu của vợ anh cũng đủ trang trải các khoản chi tiêu gia đình một cách rộng tay. Thế nhưng, từ nửa năm nay, đôi khi gia đình anh cũng lâm vào cảnh chật vật khi lương anh thì đến hạn chưa được lĩnh, mà đồng tiền chạy chợ của vợ lắm khi chỉ hòa vốn.

 

Người dân đắn đo khi "móc ví". Ảnh: VNN

Dẫu vậy, tình cảnh của anh Đồng vẫn khá hơn hàng ngàn lao động thất nghiệp hoặc làm việc tại những doanh nghiệp thua lỗ. Dì Út, một tiểu thương chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh cho biết, dì có 3 người cháu làm công nhân thì 1 người đã nghỉ do công ty phá sản, một người thì công việc bấp bênh do việc lúc có, lúc không. Ngân quỹ gia đình eo hẹp hơn nên lắm lúc phải trông vào sạp hàng rau ở chợ của một bà già.

Kinh tế khó khăn, các gia đình đều siết chặt nhiều khoản chi tiêu, kể cả khi ngày Tết đã cận kề. Anh Đồng cho biết, những năm trước, anh dành khoảng 5 triệu đồng cho những khoản chi tiêu thiết yếu trong dịp Tết. Nhưng năm nay, dựa vào thu nhập ngày càng giảm của gia đình, mà thể hiện rõ nhất là cuốn sổ tổng kết mỗi ngày của vợ, anh dự kiến năm nay sẽ cắt giảm khoảng một nửa chi tiêu so với mọi năm.

“Khó khăn mấy thì cũng không thể không mua sắm, nhưng chắc chắn là sẽ mua ít lại. Nếu đi chơi, có lẽ cũng chỉ chọn mấy điểm gần thôi”, anh Đồng cho biết.

Riêng với gia đình dì Út, Tết năm nay sẽ là một cái Tết thanh đạm bởi dì đang lo lắng không biết sang năm mới, các lao động chính trong gia đình dì có ổn định công ăn việc làm hay không.

Tiểu thương ngao ngán…

Sức mua giảm thể hiện rất rõ ở các chợ bán lẻ. Tại chợ Phạm Văn Hai, chị Hoa, chủ một sạp bánh mứt cho hay, mọi năm, ở thời điểm này, cửa hàng của chị đã rộn rịp mua bán, mặc cho giá bán ngày Tết có tăng hơn so với ngày thường. Công nhân, người xa quê mua đóng thùng gửi về quê làm quà biếu khá nhiều, người dân mua sắm Tết cũng không ít.

 

Song, năm nay, đến thời điểm này, hầu như vẫn chưa nhiều người mua sắm Tết, dù giá cả vẫn ổn định như ngày thường.

Theo chị Hoa, nếu như mọi năm, mỗi loại bánh mứt, người ta có thể mua một vài ký làm quà, thì nay, người ta chỉ có thể mua vài lạng mỗi loại. Trước đây, nếu mua với lượng ít như thế, có người còn không bán nhưng bây giờ, khách mua bao nhiêu cũng bán.

Cũng như chị Mai, anh Chí, một tiểu thương bán cùng mặt hàng này tại chợ Bà Chiểu cho biết, lượng khách mua hàng giảm đến một nửa so với các năm. Trước đây, trung bình mùa Tết doanh thu của anh khoảng 5-6 triệu đồng/ngày. Nhưng nay, thời điểm này anh bán ra một triệu tiền hàng đã là khó.

Theo anh Chí, tiểu thương các chợ bán lẻ nhờ phần lớn vào lượng công nhân. Dẫu ít tiền nhưng lực lượng công nhân khá đông. Những tiểu thương như anh sống nhờ vào họ phần lớn. Thế nhưng, năm nay, đời sống quá khó khăn, nhiều lao động mất việc do công ty thua lỗ đã về quê từ sớm. Do vậy, các chợ vắng đi một lượng khách đáng kể.

Hàng tiêu thụ chậm, tiểu thương không ai dám trữ nhiều. Các tiểu thương nhận định, với tình hình hiện nay, ôm hàng nhiều khá mạo hiểm. Nếu lượng mua dịp Tết ít, ra giêng hàng hóa vẫn ê hề thì…chết đứng.

Cô Năm, một tiểu thương ngành hàng thực phẩm cho biết, đến giờ, cô vẫn chưa đặt cọc mua lạp xưởng, giò chả Tết.

Theo nhận xét của các tiểu thương, Tết năm nay, giá cả hàng hóa sẽ ổn định, kể cả lúc cao điểm.

Hàng Trung Quốc không còn chỗ đứng

Sau những vụ bê bối của thực phẩm Trung Quốc, người tiêu dùng Việt Nam rất e dè trước hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại nhiều chợ, hàng hóa mang nhãn mác Trung Quốc đã không còn chỗ đứng.

Dễ dàng nhận thấy, trên các sạp bánh kẹo Tết năm nay, những hộp bánh đẹp mắt, lạ lẫm của Trung Quốc đã không còn xuất hiện. Thay vào đó là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước và các loại bánh, mứt cổ truyền của Việt Nam. Hiện giá bán các loại mứt dao động từ 50-100 ngàn đồng/kg.

Năm nay, ngoài các sản phẩm quen thuộc như mứt bí, mứt gừng, mứt mãng cầu…, thị trường bánh mứt còn có thêm mặt hàng mới là mứt vỏ bưởi, mứt cà bi. Các sản phẩm này được chế biến giảm ngọt hơn so với trước để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ngoài bánh kẹo, các loại trái cây Trung Quốc cũng nhường chỗ cho trái cây Việt Nam và Thái Lan.

*
Kim Toàn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây