Nền kinh tế VN đang xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng

Tiến sĩ Đinh Văn Ân: Tình hình kinh tế đang có vấn đề nghiêm trọng

Đó là nhìn nhận của Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) trong buổi toạ đàm “Các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN và các nhà đầu tư vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt”, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo số liệu thống kê có được của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong quý I/2008, tình hình nhập siêu đã ở mức khá nghiêm trọng khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 23,4 tỷ USD so với kim ngạch xuất khẩu là 13,3 tỷ USD. Nhập siêu đã lên trên 10 tỷ USD, trong đó, phần nhiều là nhập khẩu cho tiêu dùng như ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô.
 
Tuy nhiên theo ông Ân, tình hình còn nghiêm trọng hơn ở thị trường chứng khoán, bất động sản,…và đã gây tác động ngược đến những vấn đề như nợ xấu, tiền tệ, tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô.
 
“Đây là những vấn đề rất đáng lo ngại bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn đối với khối sản xuất”, ông Ân nhấn mạnh.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, luồng ngoại tệ lớn vào Việt Nam trong thời gian khá lớn, khoảng 16 tỷ USD, trong đó chỉ có 2,8 tỷ USD là từ FDI, khoảng 6,5 tỷ USD là từ đầu tư gián tiếp, 2 tỷ từ các nguồn vốn viện trợ, còn lại là kiều hối.
 
Tuy nhiên luồng vốn đó không đổ vào sản xuất kinh doanh, mà vào thị trường BĐS, chứng khoán,…
 
Còn chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại cho rằng, hệ thống tài chính Việt Nam đang rất yếu kém, ở cả hệ thống quản trị rủi ro lẫn hệ thống giám sát.
 
“Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trung bình chỉ thực hiện được 5/25 nguyên tắc về quản trị rủi ro ngân hàng. 20 nguyên tắc còn lại hoàn toàn không thực hiện được. Trong khi đó, hệ thống giám sát rủi ro thì vô cùng chểnh mảng”, ông Thành cho biết.
 
Phản biện lại một số nguồn tin các ngân hàng thương mại dư ngoại tệ trong thời gian qua, ông Ân cho rằng, hiện nay, lượng ngoại tệ của các ngân hàng tại Việt Nam chỉ có khoảng 20 tỷ USD, trong đó khoảng 10 tỷ USD tiền gửi của các tổ chức, các tài khoản cá nhân khoảng 6 tỷ USD, còn 4 tỷ USD được gửi ở nước ngoài. Trong khi đó, dự kiến nhập siêu trong năm nay không thể dưới 20 tỷ USD.
 
“Như vậy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ có vấn đề lớn với cán cân thanh toán, chứ không phải trạng thái thừa USD”, ông Ân cảnh báo.
 
Rõ ràng, gia nhập WTO đã làm bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam như sức cạnh tranh kém, khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp thấp, thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu cao hơn. Những yếu tố này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy thoái, đồng USD mất giá.
 
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô CIEM lại cho rằng, Việt Nam có thể tìm thấy được cơ hội để thay đổi bản chất ngay trong khó khăn này. Việc tăng trưởng cao dựa trên nguồn lực và kém hiệu quả đã đến lúc phải thay thế bằng một nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất và cường độ.
 
“Chúng ta không thể tiếp tục tăng đầu tư lên cao hơn 41% GDP của năm ngoái được nữa. Do vậy Chính phủ nên bình tĩnh, không thể tiếp tục đưa ra các quyết sách trong ngắn hạn được nữa, không nên chạy theo lợi ích nhóm”, ông Cung khuyến nghị.
 
“Việc Chính phủ hỗ trợ các DN trong bối cảnh kinh tế chung đang khó khăn là điều đáng mừng, tuy nhiên hỗ trợ không phải là bao cấp hoặc bơm tiền ra nhiều, quan trọng hơn là các giải pháp đưa ra có kích được phát triển của các DN theo hướng thuận lợi hay không?”, ông Cung kết luận.
 
Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến của DN cũng cho rằng, việc phát triển của DN phụ thuộc rất nhiều vào việc Chính phủ có thể đưa ra các quyết sách nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô hay không?
Minh Yến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây