Ngài tỉ phú Malaysia yêu Việt Nam

 
Khách sạn Intercontinental Hà Nội

Tên đầy đủ của ông là Tan Sri Dato' Sri Vincent Tan Thee Yioun, gọi thân mật là Vincent Tan. Ông là Chủ tịch Tập đoàn Berjaya hùng mạnh của Malaysia.

Còn nhớ, khi sự cố cầu Cần Thơ xảy ra, bạn tôi, anh Nguyễn Hoài Nam gọi đến cho biết có một tập đoàn Malaysia muốn thông qua Báo Thanh Niên để hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình họ một số tiền là 500 triệu đồng. Tôi phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới viết đúng cái tên Berjaya xa lạ nhưng đầy nhiệt tình này. Nhưng rồi từ năm ngoái trở lại đây, cái tên xa lạ đó đã nhanh chóng trở nên quen thuộc, qua hàng loạt dự án lớn mà Tập đoàn Berjaya đầu tư vào Việt Nam.

Dấu ấn Berjaya


"Kể từ khi hội nhập, Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đồng thời lại có một nền chính trị ổn định, đã giúp những nhà đầu tư chúng tôi thật sự yên tâm. Bên cạnh đó, cá nhân tôi cảm thấy gần gũi với người Việt Nam hiền hòa". Tỉ phú Vincent Tan
 
Tháng 3.2007, tỉnh Đồng Nai công bố việc tham gia của Tập đoàn Berjaya vào dự án khách sạn 5 sao cùng với Khu phức hợp căn hộ và Trung tâm thương mại Biên Hòa City Square với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Cuối năm 2007, Tập đoàn Berjaya xuất hiện ở Hà Nội với hàng loạt dự án như: Khách sạn Intercontinental với vốn đầu tư 100 triệu USD, Khách sạn Sheraton Hà Nội với vốn đầu tư 68 triệu USD, Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội với vốn đầu tư 320 triệu USD...

Và Berjaya vụt sáng chói ở TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2008 khi 2 dự án quan trọng của tập đoàn này được trao giấy phép. Đó là dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại khu đất vàng Kỳ Hòa với vốn đầu tư 930 triệu USD và dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế tại Củ Chi với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỉ USD. Vốn FDI 6 tháng đầu năm 2008 vào TP.HCM trên dưới 7 tỉ USD thì chỉ riêng Berjaya đã là 4,5 tỉ USD...

Berjaya mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng vài năm đã có tổng vốn đầu tư lên trên 5 tỉ USD. Nhiều người tò mò về cái tên đã tạo ra dấu ấn mạnh mẽ đó, và chúng tôi cũng vậy.

Chúng tôi có dịp may khi được mời đến Times Square, tổng hành dinh của Tập đoàn Berjaya nằm tại trung tâm thủ đô Kualua Lumpur vào những ngày đầu tháng 7. Times Square là một tòa tháp đôi có diện tích xây dựng trên 7,5 triệu feet vuông. Trong đó có trung tâm hội nghị trên 2.000 chỗ ngồi, có khách sạn 5 sao, có khu vui chơi giải trí trong tòa nhà lớn nhất châu Á, có nhà sách lớn nhất thế giới mang thương hiệu Border, có rạp chiếu bóng 3D với màn hình lớn nhất thế giới (mà khi vào xem, chúng tôi thấy nhân vật trong phim giống y như người thật đang nhảy múa, hôn hít ngay trước mặt mình), có trung tâm mua sắm liên hợp thu hút hàng vạn người ra vào...

Tập đoàn Berjaya với gần 100 công ty con trực thuộc kinh doanh trên 10 lĩnh vực như địa ốc, khách sạn - khu du lịch, thực phẩm - thức uống, bán lẻ, tài chính, dệt may, chế biến gỗ, giáo dục, xổ số thể thao, truyền thông, ô tô, viễn thông, xử lý nước thải...

Ngoài ra, Berjaya còn kinh doanh lĩnh vực hàng không. Chúng tôi cũng đã được mời ra nghỉ ngơi và tham quan khu resort năm sao trên đảo Tioman của tập đoàn, cách Kualua Lumpur 45 phút bay, bằng chính máy bay Hãng hàng không Berjaya.                  

Ngài tỉ phú yêu Việt Nam

Tỉ phú Vincent Tan với phong cách giản dị đã có một buổi tối tiếp chúng tôi một cách niềm nở tại một nhà hàng kiểu Nhật ngay Times Square.

Qua ông, chúng tôi biết Berjaya đã đầu tư tại các nước Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan... với tổng vốn trên 10 tỉ USD, trong đó Việt Nam được dành phần "áp đảo" với trên 5 tỉ USD.

Hỏi ông vì sao lại dành cho Việt Nam sự ưu ái như vậy, ông nói: "Việt Nam với dân số 86 triệu người, trong đó trên 65% có độ tuổi dưới 35, là một dân tộc trẻ, khỏe và rất năng động. Đó là một thị trường đầy tiềm năng mà chúng tôi muốn nhắm tới. Kể từ khi hội nhập, Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đồng thời lại có một nền chính trị ổn định, đã giúp những nhà đầu tư chúng tôi thật sự yên tâm. Bên cạnh đó, cá nhân tôi cảm thấy gần gũi với người Việt Nam hiền hòa".

Sự yêu mến Việt Nam của ông không chỉ thể hiện qua con số trên 5 tỉ USD đầu tư , mà còn thể hiện qua việc chỉ trong vòng 3 năm, tập đoàn này đã đóng góp gần 3 triệu USD vào các quỹ cứu trợ nạn nhân thiên tai, nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, quỹ xóa đói giảm nghèo, tài trợ cho Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Bóng đá Đồng Nai, đường hoa Nguyễn Huệ... Và sắp tới đây, Tập đoàn Berjaya sẽ tài trợ chính cho chương trình Thanh niên khởi nghiệp do Báo Thanh Niên khởi xướng.

 Tình yêu mến Việt Nam của ông còn thể hiện ở cách mà các công ty con của Berjaya đối xử với những người lao động Việt Nam làm việc cho mình. Trong khu du lịch Berjaya Hill, chúng tôi gặp rất nhiều lao động Việt Nam, các bạn trẻ này đều bày tỏ sự hài lòng khi làm việc với Berjaya. Họ được công ty lo cho chỗ ở, nơi ăn đàng hoàng, được có ngày nghỉ hằng tuần để tự do đi vui chơi du lịch khắp Malaysia. Nhiều bạn tuy đã hết hợp đồng 3 năm nhưng vẫn muốn tiếp tục gia hạn hợp đồng ở lại thêm vài năm nữa.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây