Chiều qua (19.11), đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã chính thức công bố những thay đổi trong tiến trình cổ phần hoá (CPH) mà theo đó, VCB sẽ thực hiện đấu giá CP lần đầu ra công chúng (IPO) ngay trong năm 2007 trước khi chọn ra nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại mọi chuẩn bị đã sẵn sàng, chỉ chờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Hai lý do thay đổi kế hoạch
Việc điều chỉnh kế hoạch CPH VCB đã được thị trường thời gian gần đây đón nhận không mấy hồ hởi, đồng thời được diễn giải theo những khía cạnh khá tiêu cực. Đây là lần đầu tiên đại diện VCB thông báo chính thức về một số thông tin liên quan đến quyết định thay đổi kế hoạch.
Theo bà Nguyễn Thu Hà - Phó TGĐ VCB - việc đàm phán với đối tác chiến lược đã không đạt kỳ vọng của VCB và Chính phủ. Vì vậy Chính phủ đã cho phép VCB thực hiện IPO trước. "Chính phủ và VCB phải thận trọng và cân đối lợi ích của Nhà nước, của đối tác chiến lược và NĐT nhỏ lẻ. Việc CPH VCB thu hút được sự quan tâm của đông đảo các NĐT trong và ngoài nước. Vì vậy, việc IPO thành công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của thị trường" - bà Hà cho biết.
Ngoài ra, một lý do quan trọng nữa khiến VCB thực hiện IPO trước rồi mới chọn đối tác chiến lược sau là đảm bảo lợi ích của NĐT sở hữu trái phiếu VCB, không để tiến trình đàm phán chậm ảnh hưởng: "Việc đàm phán với đối tác chiến lược có thể kéo dài nên việc IPO là nhằm thực hiện đúng cam kết của VCB đối với các trái chủ khi thời gian chuyển đổi tối đa của trái phiếu là 2 năm" - bà Hà nói.
Giá chào mua không thấp
Tại cuộc gặp này, đại diện VCB đã đính chính một số thông tin không chính xác liên quan đến quá trình đàm phán với đối tác chiến lược mà phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa ra. Dù có nhiều thông tin về 3 ứng cử viên cho vị trí cổ đông chiến lược của VCB (được hiểu là General Electric, Normura và Goldman Sachs) nhưng trong 3 ứng cử viên này thì có 2 ứng cử viên thông tin không chính xác. Hiện đã có 2 tổ chức lọt vào vòng chào giá cuối cùng và VCB đã có tờ trình chi tiết lên Thủ tướng. Đây đều là những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để hỗ trợ VCB đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư.
Về thông tin giá đàm phán, bà Hà khẳng định theo nguyên tắc khi đàm phán chưa kết thúc thì không bên nào được phép công bố về mức giá chào mua: "Gần đây một số thông tin về mức giá các NĐT chiến lược chào mua gấp 5-7 lần mệnh giá, thấp hơn nhiều so với thị giá của một số NH cổ phần trên thị trường là không chính xác.
Thực tế theo đánh giá của Tổ chức tư vấn Credit Sussie, giá nhà đầu tư nước ngoài chào mua VCB tính theo giá trị sổ sách cao hơn tất cả giá của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã từng thực hiện mua các NH cổ phần tại VN". Ngoài ra, lãnh đạo VCB cho biết khi so sánh mức giá chào của các nhà đầu tư đối với các NH tại VN cần phải xem xét các điều khoản trong hợp đồng hợp tác chiến lược chứ không đơn thuần chỉ nhìn vào giá chào bằng tiền.
IPO: Chỉ chờ quyết định
Hiện tại đã xuất hiện một số tin đồn VCB không thể tiến hành IPO trong tháng 12.2007 do thời gian quá gấp và có thể phải lùi sang 2008. Tuy nhiên, lãnh đạo VCB khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực và coi việc IPO trong năm 2007 là nhiệm vụ quan trọng nhất. Hiện tại tất cả những thủ tục cần thiết thuộc về VCB đã xong và trình các cấp quản lý. Bà Hà cho biết hai vấn đề quan trọng nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và mức giá khởi điểm chỉ còn chờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Theo quy định, mức giá khởi điểm sẽ được VCB công bố trước 20 ngày so với ngày thực hiện IPO và mức giá này sẽ được căn cứ trên định giá của nhà tư vấn Credit Suisse, đánh giá giá cổ phiếu của các NH đang niêm yết, tình hình đấu giá của các DN tài chính - ngân hàng gần đây cũng như tình hình cung cầu trên thị trường. Ban lãnh đạo VCB hiện cũng đang họp bàn về việc có hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt đấu giá công khai lần đầu hay không.
Về vấn đề giá mua của NĐT chiến lược, VCB vẫn chưa đàm phán cụ thể việc đối tác có mua theo mức giá bình quân hay không. Theo nghị định 109, giá mua của NĐT chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Tuy nhiên, cũng tại điều khoản này, nghị định cũng "mở" với một số trường hợp: "Đối với các tập đoàn, TCty nhà nước (bao gồm cả các NHTM nhà nước) nếu nhất thiết phải chọn NĐT chiến lược thì cơ quan quyết định CPH báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các NĐT chiến lược".