Ngân hàng Nhà nước và hiệp hội ngân hàng kiến nghị: Duy trì trần lãi suất huy động

Trần lãi suất huy động vẫn chưa được bãi bỏ. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á . Ảnh: H. THÚY

Theo một nguồn tin, cuối tuần qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước và Hiệp hội NH (VNBA) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho phép duy trì trần lãi suất huy động theo Công điện 02 của NH Nhà nước, chưa thực hiện bỏ trần lãi suất như quy định tại Văn bản 91 (ngày 7-4) của Thủ tướng Chính phủ.

Lo ngại cuộc đua lãi suất mới

Đây là lý do chính để NH Nhà nước đề nghị vẫn tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động. Dấu hiệu của cuộc đua này đã nhìn thấy rõ vì lãi suất liên NH đã có biến động mạnh, lên tới 16% và có NH đã lên tiếng chấp nhận tăng lãi suất huy động 15% để bảo đảm tính thanh khoản. Ngay cả khi chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện việc bỏ trần, nhiều NH đã phá rào tăng lãi suất khiến NH Nhà nước phải can thiệp ngay bằng cách cử cán bộ đến tận nơi đề nghị điều chỉnh về mức cũ.

Thế nhưng NH Nhà nước cũng chỉ làm theo kiểu “nước đôi” bằng cách gửi công văn tới các NH chi nhánh đốc thúc giám sát quyết định đồng thuận chứ không “ép” thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính. Về cơ bản, các NH lớn vẫn thực hiện trần lãi suất 11% như thỏa thuận của các thành viên VNBA. Nhưng các NH nhỏ đang phải áp dụng mức trần lãi suất 12% để cạnh tranh thu hút tiền gửi. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện trần thỏa thuận không được đề cập đến cũng khiến các NH nhấp nhổm không yên.

Đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng?

Theo các chuyên gia, việc VNBA và NH Nhà nước vẫn kêu gọi duy trì trần lãi suất là đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lẽ ra ngay sau khi có Văn bản 91, trần lãi suất 12% của NH Nhà nước đề ra và 11% của VNBA không còn hiệu lực. Ngay cả khi NH Nhà nước không có hướng dẫn gì về thực hiện Văn bản 91, cũng có thể ngầm hiểu là cứ thế thực hiện.

TS Nguyễn Văn Công (Khoa Kinh tế học-ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nhận xét: Theo đúng chức năng, thông lệ, Chính phủ có thể giao NH Nhà nước ban hành việc bỏ trần lãi suất, nhưng vì năng lực của cơ quan này trong điều hành chính sách tiền tệ quá kém nên Chính phủ không cần tham vấn. Còn việc VNBA kêu gọi lãi suất thỏa thuận chỉ đơn thuần là đứng ra bảo vệ lợi ích của các NH.

Còn đối với thị trường, phải bảo đảm lợi ích thỏa đáng của cả đôi bên, giữa người gửi - người vay và NH là trung gian tài chính. Thế nhưng rất nghịch lý là đa số NH có lãi suất huy động đúng quy định trần 11% nhưng lãi suất cho vay cực kỳ cao, mức ngắn hạn lên tới gần 20%. Điều này không thể chấp nhận được. Chính vì lãi suất thấp không huy động được tiền gửi, hiển nhiên là tín dụng có hạn trong khi nhu cầu vay rất lớn. Cả hai bên đều thiệt chỉ có NH là người ở giữa được lợi. Chính phủ nhận thức được điều ấy nên đã có quy định cứ để trần lãi suất tự do, dần dần sẽ đi vào quỹ đạo.

Để lãi suất âm nhiều năm, rõ ràng là NH Nhà nước đã có những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ nhưng chưa bao giờ được đề cập. Từ năm 2004 đến nay, chỉ duy nhất năm 2006 lãi suất thực dương, còn năm 2007 lãi suất thực âm đã ở mức nghiêm trọng, sang năm 2008 là cực kỳ nghiêm trọng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực NH, NH Nhà nước đang đứng trước ngã ba đường không biết làm thế nào, bỏ trần lãi suất cũng khó, níu cũng khó. Thế nhưng sớm muộn cũng phải trả về lãi suất thị trường vì biện pháp hành chính chỉ có tác dụng ngắn hạn. Lãi suất là tín hiệu thị trường, làm giảm tín hiệu thị trường sẽ khiến méo mó lãi suất, các nhà hoạch định chính sách sẽ không biết lãi suất đang mức nào, hệ thống NH khỏe hay yếu, sức đề kháng đến đâu.

 

Nhiều khả năng sẽ không áp dụng trần lãi suất

Một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho biết trong tuần này, Chính phủ sẽ bàn thảo kỹ về vấn đề tiếp tục duy trì hay bỏ trần lãi suất huy động và nhiều khả năng sẽ không áp dụng trần lãi suất. Vấn đề đặt ra trong công tác điều hành ở tầm vĩ mô là phải đề ra được biện pháp không để xảy ra cuộc đua lãi suất như hồi tháng 2-2008, nhưng vẫn bảo đảm thị trường hoạt động bình thường. Như vậy phải đồng thời giải quyết được mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: Duy trì lãi suất cho vay vừa phải để sản xuất chịu đựng được và đưa lãi suất huy động lên để thu hút tiền gửi nhanh.

Phương Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây