![]() |
Chương trình tiết kiệm của Ngân hàng SHB. |
NH “phá vỡ” đồng thuận lãi suất huy động 11% đầu tiên là NH cổ phần Sài Gòn (SCB) bằng việc huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu từ 7/4 đến 4/6 với lãi suất 1%/tháng (12%/năm) trả trước. Không chỉ vậy SCB còn “chơi trội” khi bỏ ra 2 tỷ đồng trả thưởng khuyến mãi cho đợt huy động này.
HD Bank tuy vẫn “chấp hành” lãi suất 11%/năm, nhưng “thêm” bằng hình thức khuyến mãi hơn 1kg vàng và 300 triệu đồng cho khách tham gia gửi tiền. ACB cũng đem xe Mercedes và hàng chục giải thưởng hấp dẫn khác ngoài lãi suất trần 11%.
NH Phương Nam cũng chuẩn bị chương trình khuyến mãi hàng tỷ đồng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại đây trị giá hàng tỷ đồng… Một lãnh đạo của VNBA cho biết, Hiệp hội đã biết chuyện này từ nhiều ngày nay nhưng chỉ “khuyến cáo” là chính vì đồng thuận trên không có tính ràng buộc.
Hơn nữa các chương trình khuyến mãi hay phát hành trái phiếu trên của các NH, đều đã được cấp phép, và không sai luật.
Mới đây Chính phủ lại vừa yêu cầu NHNN không duy trì áp dụng lãi suất trần và từng bước tiến tới thực hiện lãi suất thực dương, nên các NH càng có cơ sở để không ngần ngại tăng lãi suất bằng nhiều cách.
Không chỉ lãi suất huy động mà lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hơn 1 tuần qua cũng bắt đầu nóng với lãi suất tăng trở lại. Phó Tổng GĐ một NH thưong mại dự báo “không chỉ lãi suất huy động mà lãi suất cho vay cũng sẽ căng thẳng trong vòng 2, 3 tuần nữa”.
Theo ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ DongA Bank thì những NH cổ phần có quy mô nhỏ áp dụng lãi suất vượt trần chứng tỏ họ đang khát vốn, và họ buộc phải tìm cách để chạy vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của cả khách hàng lẫn NH.
Tuy nhiên, ông Bình lo ngại những NH vừa giảm lãi suất cho vay như DongA Bank sẽ bị thiệt thòi nếu cứ làm đúng với đồng thuận hay tiếp tục giảm lãi suất. Hiện nay bên cạnh những ý kiến phản đối các NH trở lại cuộc đua tăng lãi suất, thì có khá nhiều ý kiến ủng hộ.
PGS- TS Trần Hoàng Ngân (ĐHKT TPHCM) nhận định nếu thị trường tiền tệ đang ổn định dần, thì trần lãi suất huy động không còn thích ứng nữa và còn gây thiệt hại cho người gửi.
Trên thực tế sau nửa tháng đồng thuận hạ lãi suất huy động, chỉ có 3 thành viên của VNBA giảm lãi suất cho vay với mức không đáng kể, nên “đồng thuận” chỉ có lợi cho các NH. Với mục tiêu lãi suất thực dương, khi chỉ số giá tiêu dùng năm nay dự báo tăng 15% thì lãi suất 12%/năm vẫn có “cơ sở” để tăng tiếp.
Có lãnh đạo của NH thành viên VNBA nói thẳng đồng thuận lãi suất 11% là “nhất thời và gượng ép”. GĐ khối tín dụng cá nhân của một NH đang “lách” lãi suất trần 11% còn nói “các NH khác nói chúng tôi xé rào chẳng qua để mong lãi suất giữ như cũ có lợi cho họ mà thôi”.
TS Nguyễn Quang Hưng cho rằng “lãi suất cao cũng là một biện pháp chống lạm phát. Ngoài quyền lợi của người gửi tiền thì các doanh nghiệp (DN) khi đầu tư, kinh doanh phải tính toán sao cho có hiệu quả, tránh việc tung tiền tràn lan như năm 2006, 2007”.
Lo ngại vì cuộc đua lãi suất quay lại, nhiều DN cần vốn đang chạy đôn chạy đáo để vay trước khi lãi suất có thể tăng. Ông Trần Mạnh Hải, Phó Tổng GĐ Công ty xây dựng Mạnh Phát cho hay NH T. đã chấp nhận hồ sơ vay 12 tỷ của Cty ông từ 2 tuần nay, nhưng cứ hẹn đi hẹn lại ngày giải ngân, trong khi một NH khác sẵn sàng cho vay ngay với lãi suất cao hơn của T. 1,65%/năm.
Không ít DN khác lại đang đối mặt với vấn đề chi phí đầu vào tăng cộng với lãi suất NH cao, và buộc phải hoạt động cầm chừng như Cty H.D tại KCN Tân Bình (TP HCM), vì “ngành may mặc khó có thể đạt lợi nhuận trên 20-25% để trả lãi NH và trả lương, khấu hao máy móc”-Đại diện DN này nói.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng DN lợi dụng lãi suất cao đã dùng tiền “nhàn rỗi” cho đối tác, bạn hàng vay kiếm lời lợi hơn đầu tư, sản xuất. Có nơi còn dùng vay USD bán thu VND cho vay vì lãi suất, tỷ giá USD so với VND đang có lợi cho VND. Dường như, với bài toán lãi suất VNBA cùng các thành viên không giải nổi vì nhiều lý do khác nhau, mà cần có “bàn tay” của NHNN…