![]() |
Bị khống chế lãi suất, nhiều ngân hàng áp dụng chương trình tặng quà, khuyến mãi để thu hút người gửi tiền. Ảnh: Lê Quang Nhật |
“Cố đấm ăn xôi” tăng dư nợ tín dụng
Ông Hồ Hữu Hạnh kể, “Sự điều hành chủ quan, mất cân đối về quy mô, kỳ hạn và cơ cấu giữa nguồn vốn và sử dụng vốn... mà nhiều ngân hàng đã đẩy chính mình vào cơn lốc lãi suất vừa rồi”.
Theo báo cáo hoạt động tháng 2 của NHNN TP.HCM, nguyên nhân sốt lãi suất xuất phát chủ yếu từ chính quá trình khai thác và sử dụng vốn của các ngân hàng. Việc tăng trưởng quá cao dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trong các tháng cuối năm 2007 đã dẫn đến áp lực nhu cầu vốn rất lớn. Chỉ riêng tháng 12.2007, dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,2% so với tháng trước; tháng 1.2008 dư nợ tín dụng tăng 13,2% so với cuối năm 2007. Các ngân hàng đã “cố đấm ăn xôi” đẩy mạnh tín dụng chủ yếu để đảm bảo tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán, cho vay bất động sản... Tỷ lệ dư nợ riêng trong tháng 2.2008 tăng lên 84,66%.
Thiếu hụt nguồn vốn để cho vay đã khiến hàng loạt ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động, vừa vay trên thị trường liên ngân hàng. Vai trò chính của thị trường liên ngân hàng là đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Song một bộ phận vốn của thị trường này lại được một số ngân hàng sử dụng cho vay nền kinh tế. Trong số 17 ngân hàng thương mại cổ phần (hội sở chính tại TP.HCM), chỉ có 7/17 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tổng huy động vốn (từ tổ chức kinh tế và dân cư) dưới 100%. Số còn lại đều trên 100%. Trong đó, 3 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng so với huy động vốn trên 200%, là 267%, 252%, và 207%.
Số liệu trên cho thấy, ngoài nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư được sử dụng hết, số còn lại ngân hàng còn vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, việc sử dụng bộ phận vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay trực tiếp nền kinh tế đã tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, thể hiện bằng cơn biến động mạnh của lãi suất vừa qua.
“Cấm” lãi suất cao, thì kèm khuyến mãi
Một ngân hàng có thu nhập chính từ nghiệp vụ huy động và cho vay là hoạt động khá rủi ro. Các hoạt động khác như chuyển tiền, tư vấn... phải chiếm từ 30 – 40% trở lên thì mới là một ngân hàng lành mạnh Tiến sĩ Nguyễn Quang A |
Hàng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất không vượt quá mức trần 12%/năm ngay sau công điện khẩn ngày 26.2 vừa qua của ngân hàng nhà nước. Phần lớn các ngân hàng đều giữ mức lãi suất huy động ngắn hạn 1 – 2 tháng là 12%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 11,5%/năm. Ở biểu lãi suất mới ban hành của Sacombank, OCB... đối với loại hình tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn đã tăng từ 0,25% lên 0,4%/tháng. Điều này cho thấy các ngân hàng vẫn đang “khát” nguồn vốn ngắn hạn.
Nhiều ngân hàng tiếp tục “vớt vát” khách hàng bằng cách đẩy mạnh chương trình khuyến mãi và quà. Như Seabank, bắt đầu từ ngày 28.2, áp dụng lãi suất 12%/năm cho tất cả các kỳ hạn, ngoài lãi suất được hưởng còn được tặng vàng SJC theo số tiền gửi. Người tham gia phải có tối thiểu 110 triệu đồng, phải gửi kỳ hạn 13 tháng được tặng 1 chỉ vàng. Tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng được giảm. Thí dụ, 550 triệu đồng chỉ cần gửi 2 tháng, ngoài lãi suất 1%/tháng, còn được nhận ngay 1 chỉ vàng SJC. Gửi 1,1 tỉ kỳ hạn 13 tháng được tặng ngay 10 chỉ vàng SJC...
Tuy nhiên, theo ông Hồ Hữu Hạnh, nhằm chấm dứt tình trạng xáo trộn trên thị trường tiền tệ, tất cả những hình thức thưởng tặng biến tướng kéo luồng tiền gửi tiết kiệm về mình của các ngân hàng cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Hồng Sương