![]() |
Nhiều nhà đầu tư trở lại sàn khiến khối lượng giao dịch tăng mạnh. |
523,1 tỷ đồng là giá trị giao dịch tại sàn TP.HCM trong phiên giao dịch ngày 18/3. Đây là khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn này trong vòng 3 tháng qua (phiên giao dịch cuối cùng có khối lượng giao dịch cao là ngày 23/12/2008).
Cầu tăng
Liên tiếp trong những phiên giao dịch suốt 2 tuần qua, lượng giao dịch chứng khoán trên sàn tăng dần. Tại sàn HOSE, nếu giá trị giao dịch ngày 13/3 là 220,6 tỷ đồng thì đến ngày 16/3 là 294,5 tỷ đồng, ngày 17/3 tiếp tục tăng lên 422 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 18/3, lượng mua vào đã tăng mạnh ngay trong đợt giao dịch khớp lệnh liên tục khiến 153 mã chứng khoán (CK) tăng giá, chỉ có 13 mã CK giảm giá và 13 mã CK đứng giá. Chỉ số VN-Index tăng mạnh ngay từ khi mở cửa thị trường và kết thúc với mức tăng 10,19, đạt 273,39 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tăng 4,57, đạt 98,14 điểm với tổng giá trị giao dịch 264 tỷ đồng. Các CP tăng giá không tập trung vào riêng nhóm doanh nghiệp hay ngành nào mà trải đều ở hầu hết mã CK.
Từ diễn biến này, ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM - cho rằng, nhà đầu tư (NĐT) đã hết bi quan về thị trường chứng khoán (TTCK). Hơn nữa, các thông tin khác như thị trường nhà đất ấm dần, một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm có lợi nhuận,... cũng phần nào tác động tốt đến tâm lý NĐT. "Cách đây 1 tháng, theo phân tích kỹ thuật VN-Index sẽ xuống mức 220 điểm hoặc thậm chí là 200 điểm. Tuy nhiên khi xuống đến mức 235 điểm thì các NĐT đã không bán ra nên thị trường bật lên trở lại. Nhiều NĐT đã thấy được mức đáy đó nên bắt đầu mua vào nhiều hơn tạo nên sức cầu cho thị trường", ông Johan Nyvene nói.
Còn theo nhận xét của ông Phạm Linh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế, lượng mua vào bán ra của NĐT nước ngoài vẫn chưa có biến động mạnh, nhiều tổ chức vẫn quan sát là chính và bán ra để cơ cấu lại danh mục. Lực cầu trên thị trường chủ yếu đến từ NĐT cá nhân trong nước vì khối NĐT nước ngoài vẫn khá cẩn trọng. Nguồn tiền của NĐT trong nước vẫn rất mạnh và khi được khai thông nó sẽ lập tức rót vào thị trường chứng khoán ngay.
Tăng theo TTCK các nước
Giải thích cho việc tăng mạnh mẽ của TTCK Việt Nam trong những phiên gần đây, hầu hết các chuyên gia cho rằng, phần lớn do tác động của việc tăng điểm ở TTCK các nước, trong đó có Mỹ và châu Á. Ngày 18/3, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 23,04 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 5,4 điểm, chỉ số chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương MSCI tăng thêm 0,7%, nâng mức tăng trong 4 phiên liên tiếp vừa qua lên 8,2%. Nhìn chung, TTCK châu Á đang ở đỉnh cao nhất trong vòng 1 tháng. Việc tăng điểm của thị trường châu Á cũng được đánh giá có liên hệ chặt chẽ với thông tin phục hồi của Tập đoàn tài chính Citigroup (Mỹ) và những tin tức liên tiếp về lợi nhuận khả quan của một số ngân hàng khác tại Mỹ trong hai tháng đầu năm.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, khi thị trường thế giới sáng sủa, NĐT sẽ hy vọng kinh tế Việt Nam cũng được phục hồi. Bản thân NĐT chứng khoán luôn có những động thái đón đầu thị trường nên giao dịch sôi động hơn là điều tất yếu. Tại Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế suy thoái thì nhiều doanh nghiệp cũng đã cố gắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, tiết giảm chi phí,... Riêng TTCK Việt Nam do đã giảm khá thấp nên sự tăng lên sẽ mạnh hơn để bù đắp trở lại. Tất cả những yếu tố đó khiến cho NĐT quay trở lại với TTCK. Dù vậy, cả ông Johan Nyvene, ông Phạm Linh và vị chuyên gia này đều cho rằng chưa thể khẳng định được việc phục hồi thật sự của TTCK Việt Nam. Vì vậy các NĐT vẫn cần thận trọng, không nên nóng vội chạy theo thị trường mà cần kiên định theo chiến lược đầu tư của mình.