Nhà đầu tư mất lòng tin vì sự điều hành

* Thị trường đảo chiều nhưng thực tế không có thông tin hỗ trợ nào tốt, ông lý giải như thế nào về diễn biến này, xu hướng này có bền vững? 

- Tôi nghĩ là không có sự bền vững. Ngày 13.11, thị trường đã xuống quá thấp, nhà đầu tư (NĐT) nghĩ đó là ngưỡng kháng cự, nó sẽ tăng giá nhưng với lượng cầu và lượng giao dịch của các tổ chức, tôi đánh giá sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không bền vững. Để cho thị trường tăng trưởng bền vững thì yếu tố công bố thông tin là vô cùng quan trọng. Bây giờ là tháng 11 rồi nhưng số doanh nghiệp công bố thông tin chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là một điểm mà các NĐT rất mất lòng tin vào sự điều hành của các cơ quan nhà nước.

* Ông nói sự minh bạch trong công bố thông tin sẽ giúp thị trường phát triển bền vững, như vậy hiện tại bản cáo bạch, báo cáo tài chính của cáác công ty niêm yết chưa khiến các NĐT yên tâm?

- Tôi đánh giá các bản cáo bạch và báo cáo tài chính hiện nay có xu hướng khá hình thức và sẽ dẫn đến 3 không: không minh bạch, không đầy đủ và các thông tin trong bản cáo bạch cũng như báo cáo tài chính không còn là một căn cứ để NĐT đưa ra quyết định, vì những thông tin trong này rất cũ. Ví dụ, đến tháng 11 vẫn có những công ty công bố báo cáo tài chính quý III. 

Tôi cho rằng, quy định về công bố thông tin rất rõ ràng nhưng giám sát thực hiện công bố thông tin hiện nay yếu và xử phạt công bố thông tin của chúng ta là quá nhẹ. Chúng ta nên đưa ra một lộ trình cụ thể và quy định cho các công ty niêm yết phải thực hiện xây dựng website và công bố thông tin định kỳ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường, là lòng tin của NĐT. Lòng tin ở đây thể hiện ở hệ thống công bố thông tin, sự quyết tâm của Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc làm lành mạnh hóa thị trường. Thứ hai là nỗ lực của Chính phủ trong việc quyết tâm thực hiện cải cách, ví dụ như anh quá tải như thế, anh phải tìm được giải pháp trọng yếu nhất chứ mở rộng thêm nhân lực cũng không phải là giải pháp trọng yếu.

* Theo ông, VN-Index cuối năm 2007 sẽ như thế nào?

- Thử nhìn vào các chỉ số kinh tế chẳng hạn, thị trường đang có những tín hiệu rất bất lợi. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục mà có dấu hiệu đầu cơ rất mạnh. Có những khu đô thị mới đang quy hoạch, chưa xây mà giá đã 25-30 triệu đồng/m2 và người ta đã đăng ký hết sạch. Nhu cầu thị trường không thể đến mức như thế được. Như vậy một lượng tiền lớn sẽ quay sang các thị trường này. Nhìn vào lượng cung cầu trên thị trường thì tôi thấy VN-Index phát triển tối đa chỉ ở ngưỡng 1.100 điểm vào cuối năm nay. 

Chỉ số VN-Index sau phiên 14.11 tăng 20,16 điểm, đạt 993,75 điểm và chỉ số Hastc-Index tăng lên 32 điểm, đạt 349,65 điểm. Tại sàn TP.HCM, có đến 115 mã chứng khoán (CK) tăng giá, 7 mã CK giảm giá và 4 mã CK đứng giá. Lượng giao dịch khớp lệnh đạt 13,4 triệu CK với giá trị 1.320 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lượng giao dịch thỏa thuận tăng mạnh với gần 6,6 triệu CK (tăng gần 33 lần so với phiên trước) với giá trị hơn 701 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào 2,2 triệu CK (giảm khoảng 30%) với giá trị 235,8 tỉ đồng và bán ra 3,3 triệu CK với tổng giá trị 378 tỉ đồng. Những CK được nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất có PPC, KDC, VNM, VSH, SAM, VIC... Khối lượng CK đặt mua tăng lên 76,5%, đạt 30,7 triệu CK, trong khi khối lượng bán chỉ có 15,8 triệu CK, giảm 37,6%. 

Tại sàn Hà Nội, lượng giao dịch đạt 4 triệu CK (tăng 15,2%) với giá trị 446,7 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra 283.400 CK (trị giá 26,6 tỉ đồng) và chỉ mua vào 175.700 CK (trị giá 12,5 tỉ đồng).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây