![]() |
MobiFone - Thương hiệu được nhiều hãng viễn thông nước ngoài nhắm tới khi được cổ phần hoá. Ảnh: Thuỷ Nguyên |
"Nằm vùng" chờ cổ phần
Cho tới thời điểm này, hầu hết các hãng viễn thông nước ngoài đều chủ yếu hướng mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược của mạng di động MobiFone, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm 2008 này. Cùng với MobiFone, ba doanh nghiệp viễn thông khác là VinaPhone, Viettel Mobile và EVN Telecom dự kiến cũng sẽ được cổ phần trong nay mai.
Chính thức có văn phòng tại Việt Nam đã hai năm nay, song cho tới thời điểm này, đại diện của hãng viễn thông của NaUy, Telenor cho biết họ chưa có một hoạt động lớn nào ở Việt Nam được xúc tiến mà vẫn chờ đợi cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược của một trong số 4 doanh nghiệp viễn thông đang chuẩn bị được cổ phần hoá.
"Từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2005 tại Việt Nam, chúng tôi có mối quan tâm đặc biệt và kế hoạch lâu dài để đầu tư và tham gia vào lĩnh vực di động tại Viêt Nam. Chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện tại đây bằng việc tham gia sự kiện hội nghị, hội thảo viễn thông lớn như VietNam Mobile 2007, Hội nghị Viễn thuông quốc tế Việt Nam 2008... Mục tiêu của chúng tôi là tham gia cùng với một đối tác Việt để tạo nên một dịch vụ truyền thông di động cho Việt Nam nói chung và cho những người sử dụng dịch vụ nói riêng" - ông Ola Ree, Trưởng Văn phòng đại diện Telenor tại Việt Nam đã cho biết. Không dấu giếm, người đứng đầu Telenor tại Việt Nam khẳng định cam kết của mình về việc sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư chiến lược khi Nhà nước Việt Nam cho phép cổ phần hóa các doanh nghiệp di động.
10 năm có mặt tại thị trường viễn thông Việt Nam, France Telecom đã là một cái tên quen thuộc, một đối tác lớn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Dù đã có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam song cũng như Telenor, mục tiêu lớn nhất hiện nay của France Telecom là trở thành đối tác chiến lược của mạng di động MobiFone khi doanh nghiệp này chính thức cổ phần hoá.
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, thời điểm các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được cổ phần hoá vẫn chỉ là "dự kiến" chứ chưa có một khẳng định chính xác. Ngay cả MobiFone, dù nằm trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vốn đã có tới hơn 40 đơn vị thành viên cổ phần hoá xong, nhưng với tiến độ triển khai như hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, MobiFone khó có thể hoàn thành cổ phần hoá trong năm nay. Có nhận định lại cho rằng, rất có thể, EVN Telecom lại là doanh nghiệp viễn thông hoàn thành việc cổ phần hoá đầu tiên bởi hiện giờ họ đang chịu một sức ép cần được tách ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, đơn vị quản lý trực tiếp EVN Telecom vì EVN phải quay về hoạt động chính của mình là cung cấp điện chứ không phải viễn thông.
Còn theo một số chuyên gia nước ngoài, một công ty viễn thông khi cổ phần hoá phải thực hiện từ 10 đến 12 bước, từ bước đầu tiên là phải được Thủ tướng phê chuẩn quyết định cổ phần hoá; rồi truyền thông cho sự kiện này, bước sau đó là thành lập uỷ ban điều hành thẩm định cổ phần hoá... Nếu các bước được tiến hành nhịp nhàng, thời gian chuẩn bị cho việc cổ phần hoá cũng phải mất ít nhất là một năm mới có thể hoàn thành. Còn với điều kiện của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, ít nhất, tới năm 2010 mới thể có được kết quả cổ phần hoá của các công ty viễn thông Việt Nam.
Theo cam kết được đưa ra khi sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã có lộ trình để mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam để hình thành ra một pháp nhân mới để cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam với số vốn không vượt quá 49%.