Làm thế nào đó để có thể giảm bớt áp lực đến nợ công và nợ Chính phủ. TS. Trần Hoàng Ngân - đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh - trao đổi với phóng viên TBNH.
Kinh tế thế giới còn khó khăn. Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành nhưng tăng trưởng chưa thực sự bứt phá. Phải chăng cơ hội đang quá mong manh?
Tôi thấy rằng, bên cạnh tác động bất lợi thì tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng đem lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, kinh tế thế giới khủng hoảng nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ổn định, thậm chí tăng nhanh, giải ngân liên tục trong những năm gần đây.
Thứ hai, nguồn kiều hối cũng tăng mà đáng lẽ khủng hoảng thì thu nhập từ kiều hối giảm, năm nay khoảng 11 tỷ USD.
Thứ ba, khi khủng hoảng, tổng cầu thế giới suy giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam những năm qua liên tục tăng với tỷ lệ bình quân 15-16%/năm về kim ngạch, trong khi mục tiêu đặt ra chỉ 10%. Như vậy, một đất nước ổn định, có nhiều tiềm năng như chúng ta cho thấy vẫn thu hút được nhiều cơ hội từ tăng vốn đầu tư và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn có lo lắng, tồn tại là hiện nay, tình hình thu ngân sách khó khăn. Bội chi năm nay và năm sau có khả năng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là kéo giảm xuống. Nợ công cho phép giới hạn không vượt quá 65% GDP, nhưng tôi thấy đã đến mức cảnh báo.
Vấn đề khác là tình hình DN nước ta những năm qua rất khó khăn. Số DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm 2013 có 4.560 DN giải thể, ngừng hoạt động, sẽ tác động đến công ăn, việc làm của người lao động.
Tức là, kinh tế, sản xuất khó khăn như vậy sẽ kéo theo thu ngân sách còn khó khăn?
Tôi nghĩ rằng, giải quyết nguồn thu không chưa đủ phải làm sao tiết kiệm chi. Nếu chỉ hướng vào tăng thu, tận thu có thể gây kiệt quệ đến sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, bằng khả năng của mình, chúng ta nên tiết kiệm tối đa các khoản chi, nhất là các khoản chi tiêu dùng.
Tôi cũng cho rằng, phải đảm bảo kỷ luật ngân sách. Trong khi nguồn thu không đạt kế hoạch thì không thể chấp nhận chi vượt kế hoạch. Trên tinh thần đó, Chính phủ phải thực sự quyết liệt với việc kêu gọi tất cả hệ thống chính trị cùng nhau tiết kiệm. Việc này chúng ta cũng đã từng triển khai thành công ở Nghị quyết 11, trong việc tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ hạn chế tối đa mức bội chi ngân sách.
Trên cơ sở nới bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, phải hạn chế tối đa tiết kiệm hết mức
Xin hỏi, một mặt Quốc hội yêu cầu thắt chặt kỷ luật chi ngân sách, nhưng đã nhiều lần đồng ý với đề xuất nới trần bội chi lên 5,3% GDP thì có mâu thuẫn?
Đồng ý là chúng ta chấp thuận với mức đó. Nhưng, Chính phủ cũng phải phấn đấu tiết kiệm hơn nữa, không phải cứ đạt đến mức bội chi ngân sách 5,3% GDP mà trên cơ sở đó phải hạn chế tối đa, tiết kiệm hết mức. Làm thế nào đó để có thể giảm bớt áp lực đến nợ công và nợ Chính phủ. Nhưng không phải lúc nào cũng đồng ý nới trần bội chi ngân sách. Ngược lại, năm 2011, bội chi quyết toán 4,4% GDP, trong khi mức trần là 4,8%.
Tuy nhiên, có 3 điểm chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất, ngân sách của chúng ta hiện nay tăng cao trong 3 năm liên tiếp, bội chi năm 2011 là 4,4% GDP, 2012 là 4,8% và năm 2013 là 5,3%, làm cho nợ công và nợ Chính phủ tăng nhanh. Thứ hai, tổng vốn đầu tư xã hội trong 3 năm liên tiếp là thấp, chưa đến 30% GDP, không đạt kế hoạch, kéo theo tốc độ tăng trưởng cũng không đạt. Thứ ba, số lượng DN đóng cửa và phá sản ngày càng tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Vì sao chọn tăng đầu tư công mà không phải là các nguồn vốn xã hội khác?
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 dự kiến phải đạt khoảng 1.240 nghìn tỷ đồng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng đầu tư công mà khu vực dân doanh không huy động được hơn 500 nghìn tỷ đồng thì khó đạt được mục tiêu, vì khu vực này thường chiếm tỷ trọng 41% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Để huy động được nguồn lực này, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo niềm tin cho DN. Đó là niềm tin ở chính sách, ổn định vĩ mô. Cam kết của Chính phủ và Quốc hội đủ khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 5 - 7%/năm trong nhiều năm thì NHNN đi theo đó đưa ra cam kết giữ lãi suất ổn định trong thời gian dài từ 7 - 9%/năm. Có ổn định, DN dân doanh mới dám vay vốn, chào giá sản phẩm. Và để làm được việc đó, ngoài ổn định trong điều hành phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu…
Ngoài ra, theo tôi, chúng ta cần có một nghị quyết, kế hoạch hành động để huy động được nguồn vốn trong khu vực dân doanh đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội.
Xin cảm ơn ông!