Nhiều phiên đấu giá bị hủy bỏ

Nhà đầu tư tham dự một phiên đấu giá ở HASTC. Ảnh: Kiều Giang.

Theo kế hoạch, ngày 18/1, HASTC sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 4,9 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Xi Măng Bút Sơn ra công chúng. Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký, không có nhà đầu tư nào ghi tên tham dự nên cuộc đấu buộc phải hủy bỏ.

Trước đó một ngày, HOSE cũng đã phải ra quyết định tạm hoãn tổ chức phiên IPO của Công ty cổ phần Hoàng Long Long An do chỉ duy nhất một nhà đầu tư đăng ký.

Một trong hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bia của Việt Nam là Habeco (Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát) cũng không phải là ngoại lệ khi phải dời thời gian IPO đến sau Tết Nguyên đán thay vì tổ chức vào cuối tháng 1 như dự tính ban đầu.

Bên cạnh những phiên đấu giá bị hủy, hoãn, nhiều cuộc khác tuy vẫn được tổ chức, song không thành công như mong đợi do chỉ có lèo tèo vài nhà đầu tư đăng ký. Chẳng hạn như phiên đấu giá của Công ty cổ phần đại lý vận tải Safi ngày 18/1. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua chỉ bằng 1/11 tổng số lượng đưa ra đấu giá.

Anh Hoàng Văn Thông, nhà đầu tư sàn VCBS cho biết, trong giai đoạn giá cổ phiếu "trên sàn", "dưới sàn" đều rớt như hiện nay, nhà đầu tư không còn tâm trí nào để tham dự đấu giá.

Hơn nữa, sau khi đưa ra giải pháp cứu thị trường bằng cách đề nghị Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng cho thị trường, đồng thời giãn thời hạn xiết dư nợ theo Chỉ thị 03, cơ quan quản lý cấp cao vẫn án binh bất động. Do đó, giới đầu tư không dám mạo hiểm bởi chưa rõ chính sách sẽ thay đổi như thế nào.

"Mỗi lần tin tức đưa ra, thị trường lên được một chút, nhưng sau đó lại xìu đi. Cái chúng tôi cần là chính sách cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở mức "nói suông" như hiện nay", anh Thông nói.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian vừa qua, số lượng các doanh nghiệp đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tăng lên rất nhanh và tập trung vào cùng một thời điểm nên ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường.

Trước tình đó, mới đây, Uỷ ban đã có công văn đề nghị các công ty niêm yết cần cân nhắc thời điểm chào bán, phương án huy động vốn phù hợp với tình hình thị trường. Những dự án sử dụng vốn chưa cụ thể và cấp bách cần được xem xét lại, trì hoãn việc chào bán chứng khoán ra công chúng.

Đối với các công ty đã được Uỷ ban cấp giấy chứng nhận chào bán nhưng chưa thực hiện việc phát hành thì xem xét giãn thời gian phát hành.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây