Nỗi lo cổ phiếu cầm cố

Chỉ khi nào xử lý hết số cổ phiếu cầm cố tại ngân hàng, thị trường mới hết nỗi lo canh cánh

Đến tháng 4/2008, theo Ngân hàng Nhà nước, giá trị của nhóm này vào khoảng 9.700 tỷ đồng.

Không rõ giá trị cổ phiếu cầm cố còn đến nay là bao nhiêu, nhưng chắc chắn đó là con số đáng kể, bởi tổng giá trị giao dịch trên thị trường chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng/ngày từ tháng 4 đến nay. 

Ông Đoàn Đức Vịnh, Tổng giám đốc CTCK Âu Việt cho biết, chỉ khi nào xử lý hết số cổ phiếu cầm cố tại ngân hàng, thị trường mới hết nỗi lo canh cánh. Lượng cổ phiếu cầm cố tập trung vào nhóm blue-chip dẫn dắt thị trường nên tác động của nó đến VN-Index khá rõ ràng.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu blue-chip này cũng nằm trong danh mục đầu tư tài chính của một số tổ chức, công ty nên các công ty này sẽ ưu tiên bán ra để đáp ứng nhu cầu tiền mặt.

Ghi nhận giao dịch trên thị trường 2 tuần qua cho thấy, chưa có sự tham gia của các tổ chức đầu tư nước ngoài và các tổ chức đầu tư, nhà tạo lập thị trường trong nước (hai phiên giao dịch cuối tuần qua, họ mới bắt đầu tham gia).

Điều đáng chú ý là, sự lưỡng lự của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và liên ngân hàng còn lớn. Bà Võ Thị Huyền Lan, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Jaccar cho biết, quan ngại nhất của Quỹ hiện nay là vấn đề tỷ giá, vì phải mua USD với giá "chợ đen", bán USD giá niêm yết nên chưa đầu tư đã lỗ. 

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao tiếp tục tạo sức ép với TTCK. Cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc từng bước thực hiện lộ trình lãi suất thực dương làm tăng kỳ vọng lợi nhuận của đầu tư chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT CTCK Quốc Gia, thị trường sẽ chịu sức ép từ kết quả kinh doanh của công ty niêm yết trong quý II. Nguồn tin từ một quỹ đầu tư cho biết, một số doanh nghiệp đã giảm sản lượng bán hàng do lo ngại mất vốn, không thu hồi được nợ.

Được biết, động thái nới lỏng biên độ từ từ, không gây sốc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xuất phát từ lo ngại việc làm giá để xả hàng của những nhà đầu tư lớn, tạo bẫy bull-trap làm mất lòng tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thiếu vắng cơ hội đầu tư trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp niêm yết có vị thế tốt trong ngành nên mức độ ảnh hưởng từ khó khăn của nền kinh tế có thể giảm nhẹ hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đặc thù sản xuất - kinh doanh nên có doanh nghiệp được lợi về tỷ giá.

Đơn cử, CTCP May Sài Gòn (GMS) là một trong số ít doanh nghiệp ngành may làm hàng FOB, sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước để xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, GMS đạt 2 triệu USD doanh thu từ xuất khẩu, bán lại với giá thỏa thuận cho các ngân hàng. 

Nhóm công ty ngành cao su cũng được lợi từ biến động giá. Giá cao su trên thế giới tăng cao và xuất khẩu vẫn chiếm 60% doanh thu của các công ty như Cao su Đồng Phú, Cao su Tây Ninh. Các công ty này ít phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Thị trường đang dò tìm điểm cân bằng. Theo nhiều CTCK, thị trường có khả năng tiếp tục đi xuống nhưng tín hiệu lạc quan là khi đó, giá của nhiều chứng khoán rất rẻ.

Chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn hơn vàng đang bấp bênh, USD bị cấm bán cho nhà đầu tư cá nhân và gửi tiết kiệm lãi suất cao nhưng vẫn lo canh cánh tiền mất giá.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây