![]() |
Chái bếp nhà ông Vũ Văn Chuẩn trở thành điểm nhốt gà từ mấy hôm nay, mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Thế Kha. |
Chiều 10/11, nước cao ngấp nghé con đường liên xã, “bao vây” trụ sở UBND xã Phúc Lâm. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đại thở dài: “Đây là ngày thứ 7 địa bàn bị ngập trắng. Nhiều gia đình phá sản vì mưa lũ. Thiệt hại đến ngày 6/11 đã hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, rau màu vụ đông mất hoàn toàn”.
Thiệt hại nặng nhất xã Phúc Lâm là gia đình anh Dư Văn Thơ, chị Nguyễn Thị Hoa. Ba năm trước anh chị xin đấu thầu vùng ruộng trũng của xã rồi bỏ ra 1,5 tỷ đồng làm trang trại. Để có được số vốn lớn, anh chị phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để vay ngân hàng và tư nhân trong huyện. Cơ ngơi hình thành, hơn 15.000 gà đẻ trứng bắt đầu cho thu hoạch khiến anh chị khấp khởi. Nhưng trận mưa lũ kinh hoàng ập đến bất ngờ biến trang trại rộng hơn 5.000 m2 trở thành ốc đảo trong màn nước mịt mờ.
“Nước cao đến đâu, đàn gà dồn lên đến đây. Quá chật chội, hầu như toàn bộ gà đang đẻ trứng nhà tôi chết ngạt. Hàng nghìn quả trứng bị nước lũ cuốn trôi. Ao cá rộng 6 sào đến nay vẫn mênh mông trong biển nước, coi như mất trắng. Thiệt hại gần 200 triệu. Lo nhất là khi nước rút, dịch bệnh có thể giết nốt số gà còn lại. Lúc đó, vợ chồng con cái chỉ biết kéo nhau đi ăn mày thôi”, chị Hoa nghẹn ngào nói.
Ao cá rộng 13.000 m2 của ông Vũ Văn Chuẩn, thôn Châm Chim, Phúc Lâm, cũng đang chìm sâu dưới làn nước. Khuôn mặt hốc hác, mắt lờ đờ vì thiếu ngủ, ông Chuẩn kể, cá nuôi được gần một năm, định đến 10 – 11/11 thu hoạch, sản lượng dự tính trên 2 tấn. Nhưng nước lên nhanh và mạnh quá, dùng lưới chắn quanh bờ cũng không ăn thua.
"Ngồi nhìn người ta đánh cá ngoài ruộng, biết chắc là cá của mình mà chẳng biết làm sao cả. Hơn 100 triệu vay ngân hàng đổ vào ao cá coi như mất trắng. Đau quá”, ông Chuẩn than.
Chái bếp nhà ông Chuẩn trở thành điểm nhốt gà từ mấy hôm nay, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. “May còn chạy được đàn gà, chờ nước rút bán đi lấy tiền trả lãi, chứ không gia đình tôi cũng không biết sẽ sống tiếp thế nào", ông Chuẩn nói.
![]() |
Mưa ngừng đã gần một tuần nhưng cánh đồng Phúc Lâm vẫn ngập nặng, nhân viên UBND xã phải đi lại bằng xuồng, bè. Ảnh: Thế Kha. |
Đề xuất ngân hàng giãn nợ 6 tháng đến 1 năm
Ông Nguyễn Văn Hiền, quê Thường Tín, vào xã An Mỹ, Mỹ Đức thuê địa điểm dựng lò gạch cũng đang sống dở chết dở. Hai lò gạch với hơn 600.000 viên gạch đang nung dở thành đống đất vụn. “Cả tuần nay tôi không thiết ăn uống gì. Vợ con luôn phải kề kề bên cạnh, sợ tôi nghĩ quẩn. Bây giờ máy móc hỏng hóc nhiều, lò phải dựng lại mà tiền vay ngân hàng sắp đến ngày đáo hạn chưa biết tính sao”, ông Hiền nghẹn ngào.
Rất nhiều gia đình nuôi thủy sản tại huyện Mỹ Đức đang trong hoàn cảnh tương tự ông Hiền. Theo tính toán của Phòng nông nghiệp huyện, đến ngày 5/11, mưa lũ đã gây thiệt hại ước chừng 150 tỷ đồng và làm ba người chết. Trong đó diện tích hoa màu và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nhất, nhiều nơi mất trắng vụ Đông Xuân.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Đức, cho biết, sắp tới, UBND huyện tiến hành phát cho mỗi hộ gia đình ở ba xã Hợp Tiến, An Phú, Hợp Thanh và những gia đình chính sách ở Hương Sơn, Đại Hưng, An Tiến 15 kg gạo một tháng. “Huyện cũng đang làm đề nghị thành phố giúp đỡ giống cho những gia đình chăn nuôi thủy sản để phục hồi sản xuất khi nước rút”, ông Hà cho biết.
Dự tính, khoảng gần 2 tuần nữa nước mới có thể rút hết trên địa bàn Mỹ Đức. Huyện là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử.
"UBND huyện đang làm thống kê các gia đình chăn nuôi thủy sản thiệt hại nặng và kê tờ trình đề nghị phía ngân hàng giãn nợ cho các hộ từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, trong thời gian đó các gia đình vay vốn ngân hàng vẫn phải trả các khoản lãi theo quy định, không khác đi được”, ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, thở dài, nói.
Theo tiến sĩ Bùi Đại Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, con số 3.000 tỷ đồng tổng thiệt hại mà các báo nói đến là quá ít. Có thể quy thiệt hại về 3 mục chính như sau: |