Ông chủ Trường Thành: “Cứu TTF cũng là cứu Ngân hàng” (Kỳ 1)

Ông chủ Trường Thành: “Cứu TTF cũng là cứu Ngân hàng” (Kỳ 1)Kinh doanh là đồng hành. TTF đầu tư là rủi ro 100% còn ngân hàng đầu tư vào mình thì họ cũng có rủi ro nhưng đó là rủi ro ở mức độ chia sẻ.

Sau “sóng gió” thông tin thị trường về việc 13 ngân hàng phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ khó khăn cho Trường Thành (TTF), chúng tôi có buổi nói chuyện với ông Võ Trường Thành-ông chủ của thương hiệu gỗ Trường Thành.

Vẫn bận rộn với các chuyến công tác từ Bắc vào Nam nhưng ông chủ Trường Thành “tĩnh” hơn những gì nhà đầu tư nghĩ. Dường như, ông vẫn kiểm soát được rủi ro, thách thức cũng như tự tin với lối thoát mà Trường Thành đang có.

Thưa ông, vấn đề giãn nợ của Trường Thành đang là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm vấn đề này?

Công ty với vốn chủ sở hữu còn nguyên, không bị thua lỗ và vốn chủ sở hữu gần 800 tỷ, đang có nợ 1.174 tỷ (như NHNN vừa cung cấp). Tỷ lệ đòn bẩy nợ hiện tại của TTF là 4:6. Đó là tỷ lệ hơi cao thôi chứ trong hoạt động kinh doanh thì tỷ lệ 4:6 là bình thường, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn hoạt động ở mức 2:8.

Việc phá sản được coi có nguy cơ nếu vấn đề không được giải quyết.

Về đòn bẩy nợ, nếu ngân hàng không tiếp tục cấp hạn mức và thu đi một phần thì ngân lưu sẽ mất thanh khoản, không tạo ra doanh thu bởi mình không thể sản xuất bằng năng lực của nhà mày, thậm chí 2/3 năng lực của nhà máy. Lúc đó sẽ dẫn tới thua lỗ, phá sản. Điều này cho thấy, một công ty dù hoạt động bình thường cũng có sẳn kịch bản phá sản.

Nếu tính đến số công ty thua lỗ trên sàn thì phải đến vài trăm, bị cảnh báo trên sàn dạng “một sao, hai sao, thậm chí ba sao”. TTF may mắn là chưa có “sao” nào (cười). Nhưng mình nhìn thấy trước vấn đề thì sẽ tốt hơn.

Khi TTF ký một hợp đồng thì cũng luôn nghĩ đến việc sẽ thoát ra như thế nào. Ai cũng vậy thôi. Tuy nhiên, tập tục của mình là đầu tư như một cuộc hôn nhân, nếu bàn đến chuyện li dị thì là điều không may mắn. Nhưng, tính chuyện li dị để phòng tránh cho cả hai bên là điều nên làm. Kinh doanh là đồng hành. TTF đầu tư là rủi ro 100% còn ngân hàng đầu tư vào mình thì họ cũng có rủi ro nhưng đó là rủi ro ở mức độ chia sẻ. TTF đề nghị như vậy, nếu không chia sẻ rủi ro thì thanh khoản của TTF gặp khó, hoạt động kinh doanh không thể diễn ra bình thường, nghĩa vụ đối với ngân hàng không thể thực hiện được.

Trên mạng của ngân hàng thì nợ của TTF vẫn chỉ có nợ nhóm 1, nhóm 2, không có món nào là nợ xấu. Thời điểm báo viết về việc 13 ngân hàng họp bàn giải cứu thì vòng quay và thanh khoản của Trường Thành vẫn đang kịp. Nếu không kịp thì phải xuống đến nhóm 3, nhóm 4, thậm chí nhóm 5.

Như vậy, Trường Thành đề xuất với ngân hàng là giống như nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược khi làm việc với TTF và thấy rủi ro tiềm tàng thì ra điều kiện tiên quyết của hợp tác là các ngân hàng phải có động tác hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu đạt được điều đó rồi thì bên đối tác nước ngoài họ sẽ chuyển tiền vào.

Ý anh muốn nói đến đối tác chiến lược Nhật?

Đúng rồi. Nhà đầu tư nước ngoài họ ký các hợp đồng đầu tư. Họ đưa ra một số điều kiện tiên quyết như Ngân hàng phải gia hạn khoản nợ đó đến thời điểm nào. Bởi nếu họ đầu tư tiền vào Trường Thành, giúp công ty phát triển mạnh mẽ trở lại mà ngân hàng lại rút vốn thì rủi ro cho họ cao.

Với điều kiện như vậy của nhà đầu tư nước ngoài thì Trường Thành cũng đề xuất lại với ngân hàng để yêu cầu họ chia sẻ, hỗ trợ. Nếu đang làm ăn mà ngân hàng thu lại tiền nợ thì doanh nghiệp dễ “bể thanh khoản” dẫn tới việc công ty bị suy yếu. TTF từng bị như vậy trong thời điểm thắt chặt tiền tệ.

Anh nói như vậy có nghĩa là công ty đã ký hợp đồng với đối tác Nhật rồi?

Ký rồi. Tuy nhiên, với những điều khoản bảo mật thì chúng tôi vẫn chưa thể tiết lộ được những điều kiện liên quan. Hợp đồng đó, nếu giải quyết được các điều kiện liên quan, sẽ đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Vậy, có kịp cho kỳ kinh doanh quý 4 không?

Không kịp cho quý 4. Dự kiến tháng 11 mới xong tất cả các thủ tục và cuối tháng 12 tiền mới vào.

Về lãi, thay vì trả 1 tháng, bây giờ trả 3 tháng thì có tiết kiệm được?

Có tiết kiệm được. Nếu như trước đây mỗi tháng trả lãi khoảng 14 tỷ đồng, bây giờ giữ 2 tháng đưa vô sản xuất kinh doanh thì nó đỡ hơn. 28 tỷ đồng thì cũng chỉ là góp phần giúp thanh khoản vậy thôi chứ vẫn chưa nhiều lắm.

Dòng tiền vô từ đợt phát hành thứ nhất là chưa đủ cho nhu cầu tái cấu trúc công ty. Thứ 2 là bị một số ngân hàng không giữ đúng lời hứa và thu lại vốn cũng đã làm cho công ty bể kế hoạch. Lần này tiền có cơ hội vô thì mình đã có kinh nghiệm và đàm phán trước với các ngân hàng.

Trường Thành cũng đã chủ động tính đến việc nếu các ngân hàng không đồng ý các giải pháp mà công ty đề xuất thì xử lý làm sao. Công ty phải tính chứ cứ phụ thuộc vào họ thì kinh doanh cái gì, bản lĩnh doanh nhân ở chỗ nào, bản lĩnh doanh nhân và kinh doanh là phải lựa đường hướng để không bị phụ thuộc. Chẳng lẽ, bây giờ mình xin người ta giãn nợ họ chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Như vậy, thành quả sẽ phụ thuộc người ta chứ không phụ thuộc vào mình.

Xem tiếp Kỳ 2: TTF và cửa thoát hiểm số 2

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây