![]() |
Sau hàng loạt giải pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cuộc đua lãi suất đã chấm dứt, cung cầu tiền tệ (của USD và VND) dồi dào hơn. Ảnh: H.THÚY |
Ts Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế cao cấp:
Đã bắt trúng căn bệnh
Những giải pháp kiềm chế lạm phát trong thông điệp của Thủ tướng so với những giải pháp trước là rõ hơn, cụ thể hơn, có những chỉ tiêu dứt khoát và nhìn chung đã bắt trúng căn bệnh. Thủ tướng đề ra phương hướng lớn, rất quan trọng, nhưng triển khai cụ thể lại thuộc về giới kỹ trị- các chuyên gia của từng bộ, ngành.
Lạm phát có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do tiền tệ. Nhận ra được nguyên nhân chính, bắt trúng bệnh và có giải pháp phù hợp là điều đáng mừng. Sự siết chặt chính sách tín dụng còn đụng đến việc tiếp cận nguồn vốn, khiến tiếp cận vốn khó khăn hơn, đắt đỏ hơn. Điều đó có thể khiến các doanh nghiệp (DN) kêu ca nhưng chắc sẽ thúc ép họ phải hoạt động hiệu quả hơn, buộc họ phải từ bỏ những dự án đầu tư kém. Các DN trước kia cân nhắc 3 lần thì nay phải cân nhắc 7 lần xem vay để làm gì, kinh doanh ra sao..., như thế chỉ có lợi cho nền kinh tế bởi DN khó có thể đầu tư một cách mạo hiểm, ngon ăn nhưng nhiều rủi ro như bất động sản hay chứng khoán.
Tôi rất ủng hộ các biện pháp thắt chặt tiền tệ hay thắt chặt chi tiêu công. Đây là biện pháp đau đớn với một số người và tầng lớp nhất định, nhưng cần phải làm.
Siết chặt chính sách tiền tệ là cần thiết nhưng chưa đủ, mà còn cần phải tiến hành giảm bớt chi tiêu Chính phủ, ngân sách và tăng hiệu quả đầu tư của các tập đoàn lớn của Nhà nước. Việc Thủ tướng làm việc với các tập đoàn kinh tế Nhà nước (dự kiến tổ chức vào chiều nay, 1-4, và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phía Bắc vào ngày mai, 2-4 -B.T) là tín hiệu cho thấy sự kiên quyết của Chính phủ. Không được để các tập đoàn lớn của Nhà nước đầu tư tràn lan, thậm chí đi vay nước ngoài về để cho các tập đoàn đầu tư vào các dự án kém hiệu quả hay dùng vốn này để nhảy vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Trong lúc khó khăn này, Chính phủ, nhân dân và DN thuộc mọi thành phần kinh tế hợp lực lại để cải thiện tình hình thì không thể cho phép các DN quốc doanh, các nhóm lợi ích lấy lý do khó khăn để trì hoãn việc cắt giảm, xem xét lại hoạt động của mình, tiết kiệm và tăng hiệu quả hoạt động.
Thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng: Ổn định kinh tế vĩ mô, chặn đứng lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Triển khai các biện pháp này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên những tầng lớp khác nhau và họ sẽ có phản hồi. Các chính sách không bao giờ có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì thế không nên chịu áp lực của một số ít người, của các nhóm lợi ích khác nhau. Hy vọng các biện pháp của Chính phủ được cụ thể hóa và được thực hiện một cách kiên quyết và nhất quán.
TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Cơ hội để thay đổi cơ cấu kinh tế
Chính phủ đã nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát là do sự yếu kém trong cơ cấu nền kinh tế mà yếu tố khách quan chỉ có tính cộng hưởng. Đánh giá được như thế mới đưa ra được những giải pháp căn bản mà thể hiện rõ nhất là mục tiêu chống lạm phát được đưa lên hàng đầu, tăng trưởng bền vững chỉ đứng hàng thứ 4. Thời gian gần đây, chúng ta quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng nên yếu tố cơ cấu thường bị bỏ qua để đạt được những mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi cơ cấu nền kinh tế.
Cắt giảm đầu tư công và chi phí là một biện pháp chống lạm phát hiệu quả và tốn ít chi phí nhất, Chính phủ đã coi đây là giải pháp thứ 2 trong nhóm 7 giải pháp đưa ra. Vậy cắt giảm như thế nào? Đầu tư từ ngân sách hiện chiếm 45% tổng đầu tư toàn xã hội, bao gồm 3 phương thức: đầu tư trực tiếp từ ngân sách; đầu tư từ vốn tín dụng Nhà nước và đầu tư từ vốn DN Nhà nước. Theo tôi, cần cắt ngay đầu tư từ vốn tín dụng (là các khoản vay quốc tế) đang đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia, chiếm khoảng 7%-8% tổng đầu tư toàn xã hội. Khoản tiền này sẽ chảy vào khu vực tư nhân cũng đang rất cần vốn để cơ cấu lại sản xuất, đầu tư cho công nghệ nhằm giảm thiệt hại do lạm phát gây ra. Vậy lấy tiền ở đâu thế vào để tiếp tục xây dựng các công trình trọng điểm? Đầu tư trực tiếp từ ngân sách hiện nay có thể cắt giảm được 15%-20% để đắp vào đó. Như vậy, một mũi tên có thể trúng hai đích: vừa nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà nước, vừa hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Đây cũng chính là biện pháp trung và dài hạn cần thực hiện để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Phải có một “trung tâm”điều phối Tôi rất tâm đắc với gói giải pháp do Thủ tướng đề ra. Thông điệp này cho thấy Nhà nước đã công khai hóa thái độ (tuy hơi trễ). Cả 5 vấn đề lớn là tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, cán cân thanh toán, đời sống người dân mà VN đang phải đối mặt đều được đề cập trong gói giải pháp chung. Quan trọng nhất là Chính phủ đã nhìn ra tất cả các mục tiêu và quyết định hành động để thực hiện các mục tiêu này: Chấp nhận giảm mục tiêu tăng trưởng, ưu tiên chống lạm phát. Chống lạm phát được ưu tiên hàng đầu là hoàn toàn đúng vì lạm phát vừa là hậu quả của tăng trưởng nóng, của môi trường kinh doanh thế giới và hậu quả của đầu tư kém hiệu quả... Từ chỗ ưu tiên chống lạm phát, các biện pháp thắt chặt tiền tệ là cần thiết (dù tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại). Theo tôi, những giải pháp Chính phủ đề ra là kết quả của cả quá trình chọn lọc, bàn thảo và đã bắt đúng mạch nền kinh tế. Tuy nhiên, để những giải pháp này phát huy hiệu quả cần có sự quyết tâm cao của Chính phủ và các cấp; cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong thực hiện các biện pháp cụ thể. Phải có một “trung tâm” điều phối chung, tính toán cân bằng và điều tiết công việc cụ thể của các bộ, ngành, vì nếu mạnh ai nấy làm thì rất khó đạt được kết quả như mong muốn. |