Quy chế CAMEL: Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty QLQ

Quy chế CAMEL: Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty QLQ

Trên cơ sở kết quả đánh giá, sẽ có các công ty thuộc diện phải kiểm tra, thanh tra đột xuất, hoặc có những công ty thuộc diện kiểm tra, thanh tra chuyên đề hay toàn diện.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán, ngày 11/7/2013, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký Quyết định số 428/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn thiết lập, vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ tự quản lý (sau đây gọi là Quy chế quản trị rủi ro) và Quyết định số 427/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty quản lý quỹ (sau đây gọi là Quy chế CAMEL). 

Để triển khai áp dụng mô hình quản lý giám sát dựa trên rủi ro theo chuẩn BASEL II đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý các tổ chức tài chính, bao gồm ba trụ cột sau: 

- Trụ cột thứ nhất bao gồm hệ thống các quy định bảo đảm an toàn tài chính. Cụ thể là Thông tư số 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 và Thông tư số 165/2012/TT-BTC ngày 9/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; các Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 và Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. 

- Trụ cột thứ hai bao gồm các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của UBCK đối với các thành viên thị trường. Trong trường hợp các công ty quản lý quỹ, trụ cột này bao gồm Quy chế CAMEL (ban hành kèm theo Quyết định số 427/QĐ-UBCK ngày 11/7/2013 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Sổ tay giám sát nghiệp vụ quản lý các công ty quản lý quỹ và Quy trình thanh tra, kiểm tra các công ty quản lý quỹ (ban hành kèm theo Quyết định số 247/QĐ-UBCK ngày 6/5/2013 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); 

- Trụ cột thứ ba về tính minh bạch và kỷ luật thị trường bao gồm Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/08/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (hiện nay Nghị định thay thế Nghị định 85 đang được UBCKNN, Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ), Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 05/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc công bố thông tin thông tin trên thị trường chứng khoán; Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 và Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. 

Trong mô hình quản lý giám sát hiện đại nêu trên, Quy chế CAMEL được sử dụng trong nội bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đây là một quy chế sử dụng phương pháp đánh giá, xếp loại đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới để đánh giá các tổ chức ngân hàng, tài chính dựa trên năm (05) chỉ tiêu về vốn (Capital adequacy), chất lượng tài sản (Assets), năng lực quản trị (Management capability), kết quả kinh doanh (Earnings), và khả năng thanh khoản (Liquidity). 

Kết quả đánh giá, xếp loại công ty quản lý quỹ theo Quy chế CAMEL được sử dụng để: 

- Thứ nhất là đánh giá hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, từ đó có các khuyến cáo để các tổ chức này tự hoàn thiện hệ thống của mình; 

- Thứ hai, trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động, UBCKNN sẽ phân loại các tổ chức này theo các nhóm khác nhau. Từ đó, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý để tập trung kiểm tra, thanh tra tại các lĩnh vực và các công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất (kết quả xếp loại thấp). Cụ thể, trên cơ sở kết quả đánh giá, sẽ có các công ty thuộc diện phải kiểm tra, thanh tra đột xuất, hoặc có những công ty thuộc diện kiểm tra, thanh tra chuyên đề hay toàn diện. 

Một số đặc điểm của Quy chế CAMEL: 

- Quy chế CAMEL không chỉ đánh giá các công ty quản lý quỹ sử dụng một vài nhân tố riêng lẻ mà cung cấp một phương pháp đánh giá tổng hợp, toàn diện và khoa học dựa trên năm (05) chỉ tiêu với các nhân tố phù hợp với hoạt động của công ty quản lý quỹ và nhu cầu quản lý; 

- Dữ liệu sử dụng để đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau như hệ thống báo cáo, kết quả thanh tra/kiểm tra, và các nguồn tin cậy khác (nếu có); 

- Các nhân tố định tính của chỉ tiêu năng lực quản trị do UBCKNN chấm điểm theo hướng dẫn cụ thể trong quy chế; các nhân tố định lượng còn lại được tính toán tự động từ các báo cáo của công ty, có thể tính toán trực tiếp hoặc dựa trên quantile.

UBCKNN tính toán điểm chỉ tiêu và tổng hợp điểm theo nguyên tắc tính bình quân gia quyền với các trọng số dựa trên tầm quan trọng của các nhân tố, chỉ tiêu này. UBCKNN cũng điều chỉnh một số nhân tố về hiệu quả hoạt động của danh mục quản trị rủi ro theo mức độ tác động đến thị trường. 

Quy chế quản trị rủi ro hướng dẫn các công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ tự quản lý thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro tổng thể và toàn diện với mục đích giúp công ty và thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Hệ thống quản trị rủi ro bao gồm (i) cơ cấu tổ chức, nhân sự quản trị rủi ro; (ii) chiến lược quản trị rủi ro, khẩu vị rủi ro, chính sách quản trị rủi ro, quy trình quản lý rủi ro. Quy chế này là bước phát triển tiếp theo của Thông tư 165/TT-BTC, Thông tư 226/2012/TT-BTC quy định về các chỉ tiêu an toàn tài chính. Quy chế quản trị rủi ro không chỉ đề cập đến các vấn đề vốn khả dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động mà còn hướng tới các thông lệ tốt về công tác quản trị rủi ro đã được sử dụng trên thế giới với những điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, trong đó: 

- Quy định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân thành viên của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu, ban điều hành, các bộ phận liên quan; 

- Quy định rõ trách nhiệm của công ty trong công tác quản trị rủi ro cho hoạt động của mình và công tác quản trị rủi ro cho các quỹ, danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác. Đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm báo cáo về công tác quản trị rủi ro cho công ty và quỹ, danh mục của khách hàng; 

- Công ty tự quyết định cơ cấu tổ chức, nhân sự quản trị rủi ro linh hoạt và phù hợp với quy mô hoạt động và nhu cầu của công ty; 

- Công ty tự quyết định xây dựng chiến lược, chính sách, quy trình quản trị rủi ro trên cơ sở tham khảo các phụ lục chi tiết ban hành kèm theo quy chế này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây