Quyết định bó hơn chỉ thị

Cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư ngập ngừng đặt lệnh mua bán (Ảnh chụp tại công ty chứng khoán SSI). Ảnh: T.Thạnh

Phiên giao dịch ngày 13-2, chỉ số VN-Index tiếp tục mất thêm 23,37 điểm, tạm dừng ở mức 817,86 điểm. Nhà đầu tư bán ra nhiều hơn mua vào. Trong nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ảm đạm có phần ảnh hưởng từ Quyết định 03/2008 về cho vay đầu tư chứng khoán của Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV).

Theo đó, tỉ lệ cho vay chứng khoán của một NH không vượt quá 20% vốn điều lệ. Với quyết định này, nguồn vốn vay NH của nhà đầu tư chứng khoán ngày càng hẹp hơn so với Chỉ thị 03/2007.

Lợi thế cho NH vốn lớn

Theo số liệu của SBV- TPHCM, năm 2007, tổng vốn điều lệ của các NH thương mại cổ phần trên địa bàn TP là 23.024 tỉ đồng. Như vậy, các NH tại TPHCM được phép cho vay chứng khoán 4.604 tỉ đồng. Cụ thể, NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chỉ cho vay gần 900 tỉ đồng (vốn điều lệ 4.450 tỉ đồng). NH Á Châu (ACB) cũng cho vay 526 tỉ đồng (vốn điều lệ 2.630 tỉ đồng).

Còn các NH khác chỉ cho vay chứng khoán trong khoảng 100 – 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ các tổ chức tín dụng ở TPHCM đạt 406.353 tỉ đồng. Nếu áp theo Chỉ thị 03/2007 thì lượng tiền cho vay chứng khoán trên 12.000 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với Quyết định 03 hiện nay, Sacombank với tổng dư nợ cho vay 34.316 tỉ đồng sẽ giải ngân được trên 1.000 tỉ đồng. ACB được phép cho vay hơn 900 tỉ đồng trên tổng dư nợ là 31.600 tỉ đồng...

Theo NH Nhà nước Việt Nam, nếu kéo dài biện pháp khống chế tỉ lệ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán 3% tổng dư nợ cho vay theo Chỉ thị 03/2007, sẽ tạo nên yếu tố tâm lý không thuận lợi đối với thị trường và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Quyết định 03/2008 là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm an toàn tín dụng, làm cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh. Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, khả năng dư nợ tăng lên không lớn so với cuối năm 2007.

Trong khi đó, năm 2008, NH Liên Việt vừa mới thành lập với vốn điều lệ 3.300 tỉ đồng, hiển nhiên có hạn mức cho vay chứng khoán 660 tỉ đồng. NH Ngoại thương Việt Nam, NH Công thương sẽ hoàn tất cổ phần hóa, vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng, tức là hai NH này có thể cho vay chứng khoán lên tới 5.600 tỉ đồng. Phải chăng Quyết định 03 đem lại lợi thế cho những NH có vốn điều lệ lớn.

Áp lực tăng vốn

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán VN Direct, nhận định: Với Quyết định 03, lượng tiền mà các NH ở TPHCM đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư chứng khoán ngày càng giảm. Nhu cầu vay vốn NH của nhà đầu tư là rất lớn. Các NH muốn tăng tỉ lệ cho vay chứng khoán phải tăng vốn điều lệ, tức là phát hành thêm cổ phiếu. Điều này làm tăng nguồn cung, có thể pha loãng giá trị cổ phiếu ngành NH, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TPHCM cho biết, trước khi Quyết định 03 ban hành, không ít NH đã kiến nghị SBV đánh giá năng lực hoạt động của từng NH, từ đó đưa ra hạn mức cho vay chứng khoán đối với mỗi NH. Thế nhưng, SBV gần như đã bỏ qua. “Dường như việc thay đổi quy chế cho vay đang tạo điều kiện cho các NH mới thành lập và chuẩn bị thành lập khai thác dịch vụ cho vay chứng khoán”, ông này nói.

Một số chuyên gia tài chính nhận định: SBV đã không chú trọng đến năng lực của từng NH mà chỉ quan tâm đến vốn điều lệ của mỗi NH nhiều hay ít. Nhà đầu tư sẽ giảm niềm tin đối với các nhà hoạch định chính sách bởi không ai bảo đảm được trong thời gian tới các cơ quan quản lý sẽ có những chính sách khác, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.

Ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng- Trưởng cơ quan đại diện Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM:

Nhà đầu tư phải làm chủ được vốn

Việc thay đổi Chỉ thị 03 có 2 khía cạnh nên xem xét: Một, vốn của NH thương mại chủ yếu là ngắn hạn, trong khi đầu tư chứng khoán là đầu tư dài hạn. Đưa vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn là nguy hiểm cho NH. NH hằng ngày đều có tiền thu vào và chi ra và thường có kết dư dương (+). Số kết dư đó trong khoảng từ 20% - 25% tổng vốn huy động, NH có thể đưa số đó vào đầu tư dài hạn. Vì vậy, mức khống chế có thể cao hơn 3% tổng dư nợ.

Hai, giá chứng khoán thường biến động theo trào lưu, lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên. Lúc giá đã xuống thấp nếu bán là lỗ, không bán là không lỗ. Nhưng nếu vốn đầu tư đó là vốn vay của NH, đã tới hạn trả, thì tất yếu phải bán chứng khoán. Cho nên người đầu tư muốn bảo đảm thành công phải làm chủ được vốn của mình. Vì vậy, về cơ chế chính sách, đừng để người đầu tư lao vào như con thiêu thân khi thị trường đang nóng.

H. Vân ghi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây