SBS có vốn điều lệ 1.266,6 tỷ đồng nhưng vốn hóa hiện chỉ xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Nửa đầu tháng 11, SBS có 10 phiên giảm liên tiếp từ gần 6.000 đồng/CP xuống dưới 4.000 đồng/CP. Hơn 1 tuần qua, SBS bắt đầu tăng giá trở lại từ mức 4.000 đồng/CP lên 4.600 đồng/CP.
Nhưng thanh khoản của CP này lại không ổn định, có phiên hơn nửa triệu CP được giao dịch, nhưng cũng có phiên chỉ hơn 30.000 CP khớp lệnh. Một NĐT có nhiều kinh nghiệm cho biết, đã khá lâu không theo dõi giá của nhóm CP các CTCK, nhưng khi nhìn lại thị giá của CP anh không khỏi ngạc nhiên.
SBS là một CTCK thuộc hàng “chiếu trên” cùng SSI, HCM với thị phần luôn ở tốp đầu, tuy nhiên thị giá của CP lại ngang hàng với những CTCK tốp dưới như HPC (CTCK Hải Phòng) hay PHS (CTCK Phú Hưng) ở mức hơn 4.000 đồng.
Trước đó, SBS đã giải trình về việc CP rớt mạnh do 2 nguyên nhân: xu hướng không khả quan của thị trường và SBS hiện đang tái cấu trúc hoạt động nên tình hình kinh doanh quý III không được như kỳ vọng.
Thực tế, việc tái cấu trúc đang diễn ra ở bất kỳ CTCK nào và kết quả kinh doanh không thuận lợi trong tình hình TTCK hiện nay là chuyện bình thường. Phải chăng SBS sụt giảm cả về giá CP lẫn KQKD còn bắt nguồn từ nguyên nhân khác?
Chỉ trong vòng 4 tháng, đã có 3 phó tổng giám đốc của SBS bị miễn nhiệm, đó là bà Thiều Minh Anh Thư, ông Nguyễn Huy Cường và ông Ngô Quảng Phú. Theo đánh giá của người làm trong ngành chứng khoán, đây là những người có năng lực trong ngành tài chính và điều đó đã được thể hiện thông qua những thành công giai đoạn 2009 của SBS.
Chính vì vậy, việc mất chức của những nhân vật nêu trên đã đặt ra câu hỏi về nguyên nhân thực sự. Chẳng hạn ông Ngô Quảng Phú, sau khi thôi giữ chức Phó tổng giám đốc lại được điều chuyển về phòng hành chánh nhân sự chờ phân công việc mới.
Thực tế, tại nhiều CTCK hiện nay, các sếp khi “ra đi” có khi còn “vui” hơn người ở lại, vì gần như rũ bỏ được những sai lầm, những thua lỗ, nợ nần do mình gây ra. Những người ở lại không phải do lòng trung thành hay sự đồng cảm với công ty, mà do bị “bắt” ở lại để chịu trách nhiệm giải quyết những sai lầm.
Đầu tháng 6, một nhân viên môi giới của SBS bị khởi tố do bị tình nghi tiếp tay cho vụ việc làm giá CP Dược Viễn Đông (DVD).
Ngoài ra, trên thị trường cũng râm ran tin đồn về việc nhân viên của SBS do được vay vốn mua CP với giá ưu đãi, bị hạn chế thời gian chuyển nhượng, đến khi được bán ra giá CP đã xuống thấp hơn so với cả chi phí bỏ ra và bị lỗ nặng, thậm chí còn nợ ngân hàng.
Từ “quân” đến “tướng” đều có chuyện, đây là một trong những lý do có thể khiến cho hoạt động của SBS gặp khó khăn.
Những lỗ hổng lớn
Đối với NĐT thạo tin và một số người chú ý đến SBS, câu chuyện được quan tâm nhất liên quan đến vấn đề nợ của công ty. Xem xét BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của SBS, có thể thấy trong hơn 5.635 tỷ đồng tại mục “nợ ngắn hạn” của SBS có hơn 1.560 tỷ đồng chủ yếu vay từ ngân hàng.
Ngoài ra còn hơn 3.400 tỷ đồng “các khoản phải trả” đặt cọc cho hợp đồng môi giới chứng khoán. Một NĐT cá nhân bình thường sẽ rất khó hiểu trước khoản mục “các khoản phải trả” đặt cọc cho hợp đồng môi giới chứng khoán và đặt câu hỏi trả cho ai? Hợp đồng môi giới tại sao lại đặt cọc?
Khoản mục này có giá trị lớn gần gấp 3 lần vốn điều lệ nhưng không giải thích cặn kẽ là chưa thỏa đáng.
CTCK nợ nhiều đồng nghĩa với việc số tiền CTCK vay được “đẩy” cho hoạt động tự doanh hoặc cấp tín dụng cho NĐT. Nhìn “các khoản phải thu ngắn hạn” của SBS tại thời điểm 30-6, giá trị chỉ xấp xỉ 530 tỷ đồng, trong khi “khoản phải thu dài hạn” lại bằng 0. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của SBS cũng chỉ xấp xỉ 280 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản mục “đầu tư tài chính ngắn hạn” của SBS lên đến gần 5.600 tỷ đồng, trong đó số dư đầu tư khác lại có giá trị sổ sách lên đến hơn gần 4.130 tỷ đồng.
Trong thuyết minh chi tiết cho các khoản đầu tư khác, đáng chú ý 1.736 tỷ đồng là khoản hợp tác đầu tư với lợi nhuận xác định, khoản hỗ trợ ký quỹ giao dịch có giá trị 1.150 tỷ đồng và khoản hợp tác đầu tư, quản lý theo danh mục có giá trị hơn 750 tỷ đồng.
Hiểu một cách đơn giản, hợp tác đầu tư có nghĩa là hai bên cùng bỏ vốn để đầu tư và trên thực tế nhiều CTCK đã sử dụng các hợp đồng hợp tác đầu tư để “lách” hoạt động cấp tín dụng cho NĐT.
Cũng có trường hợp CTCK gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ nên đã chuyển công nợ thành khoản đầu tư để “làm nhẹ” phần công nợ nhằm dễ ăn nói với cổ đông, hoặc tính kế bán nợ cho đối tác khác.
Trở lại với các khoản được xem là “đầu tư” của SBS, công ty có ghi giảm so với thị trường nhưng có vẻ không được thỏa đáng. Chẳng hạn khoản hợp tác đầu tư với lợi nhuận xác định có giá trị sổ sách 1.736 tỷ đồng, nhưng chỉ giảm hơn 58 tỷ đồng so với thị trường, tức là tỷ lệ giảm chỉ khoảng 3%.
Không thấy SBS ghi rõ việc giảm giá so với thị trường dựa vào mốc thời gian nào. Gần nhất là so với quý trước đó (quý I), tỷ lệ 3% cũng khó lòng xảy ra, còn nếu so với đầu năm hay thậm chí so với giá gốc thì tỷ lệ 3% là cực kỳ vô lý.
Bởi lẽ trong khoảng 1 năm trở lại đây, việc CP mất giá với tỷ lệ 2 con số trở lên là chuyện bình thường trong khi tỷ lệ giảm giá của SBS ghi nhận chỉ là 1 con số.
Việc SBS tái cấu trúc hoạt động thông qua thay đổi nhân sự hay hạn chế tự doanh là điều đáng ghi nhận. Nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là chừng nào những khoản nợ của SBS và công nợ đối với khách hàng chưa được giải quyết thì khả năng SBS thoát khỏi những mức giá rẻ mạt 0.4-0.5 là điều không dễ dàng.