.jpg) |
Ông Lê Song Lai.
|
Trả lời PV Lao Động, ông Lai cho biết, SCIC tham gia mua CP là nhằm hỗ trợ bình ổn thị trường (TT) theo hướng phát triển bền vững; đảm bảo tuân thủ đúng quy định và càng không phải là sự đầu cơ.
- Nhiều người nghi ngờ SCIC chỉ "đánh tiếng" sẽ mua CP. Xin ông cho biết và xác nhận một lần nữa việc SCIC có mua CP hay không, đã mua chưa và kế hoạch dự kiến trong thời gian tới như thế nào?
- Thực hiện cam kết tham gia hỗ trợ TT theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ ngày 7.3, SCIC đã mua vào một lượng CP trên cả hai sàn giao dịch. Chúng tôi không ấn định thời hạn tối thiểu hoặc tối đa mà căn cứ vào diễn biến TT để quyết định. Cụ thể, trong những phiên sắp tới, chúng tôi sẽ căn cứ vào diễn biến TT để xem xét điều chỉnh quy mô và khối lượng CP nhằm hỗ trợ cho xu hướng phục hồi bền vững của TT.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, NĐT cần có kỳ vọng thực tế, tránh những suy đoán thiếu căn cứ cho rằng SCIC sẽ liên tục bơm tiền mua CP để đẩy TT tăng trưởng.
Anh Xuân thực hiện
- SCIC bí mật phương thức mua CP, tuy nhiên nếu thông qua đại diện của SCIC ở các Cty để mua CP thì lại cần thiết phải công bố thông tin. Vậy SCIC thực hiện việc này như thế nào?
- Mọi hoạt động mua bán CP của SCIC đều tuân thủ các quy định hiện hành. Trong trường hợp cần áp dụng pháp luật một cách linh hoạt nhằm hạn chế các yếu tố đầu cơ hay tung tin đồn thất thiệt, không có lợi cho TT, SCIC đều báo cáo và được chấp thuận của các cơ quan chức năng. Chúng tôi không lợi dụng những chấp thuận này để thu lợi riêng bởi vì mục đích chính của việc tham gia hỗ trợ TT không phải là thu lợi nhuận mà là giúp TT sớm bình ổn.
Liên quan đến phương thức mua CP, tùy từng trường hợp cụ thể, SCIC sử dụng phương thức: Giao dịch thỏa thuận và giao dịch khớp lệnh. Việc mua bán CP được thực hiện trực tiếp bởi SCIC mà không thông qua người đại diện của SCIC tại các Cty niêm yết.
Vừa qua, được sự chấp thuận của Bộ Tài chính và để tránh rủi ro về thông tin khi giao dịch tại duy nhất một CTCK, SCIC đã mở thêm tài khoản giao dịch tại một số CTCK hoạt động hợp pháp tại VN.
Cũng ngay trong ngày 12.3, SCIC đã căn cứ vào báo cáo giải chấp của các CTCK và NH gửi cho UBCKNN để lựa chọn mua thoả thuận một số mã CK theo quy định của pháp luật. SCIC cũng có công văn gửi Sở GDCK TPHCM và TTGDCK Hà Nội để công bố về việc mở tài khoản giao dịch.
- Với tư cách là đơn vị kinh doanh và quản lý phần vốn nhà nước, SCIC phải đảm bảo mục tiêu về kinh doanh. Liệu SCIC có bán CP và thu lãi ngắn hạn?
- Nhiệm vụ của SCIC không chỉ là bảo toàn, mà còn là phát triển vốn nhà nước. Tuy nhiên vào từng thời điểm, yêu cầu lợi nhuận phải được đặt trong mối tương quan với các mục tiêu khác. Vào thời điểm TT có biến động như hiện nay, ưu tiên hàng đầu của SCIC là sớm bình ổn TT, khôi phục và củng cố lòng tin của NĐT. Lợi nhuận mà SCIC hướng tới là lợi ích dài hạn. Lợi ích đó chỉ có thể có được khi TT phát triển ổn định. Việc tham gia "lướt sóng" để thu lợi ngắn hạn là điều không có trong tôn chỉ và phương châm hoạt động của SCIC.
- SCIC không thể tung tiền và cứu TTCK trong thời gian dài nếu như TT tiếp tục đi xuống. Theo ông thì Nhà nước, NH và SCIC cần có những biện pháp nào dài hơi để đảm bảo mục tiêu bình ổn TT?
- Việc SCIC tham gia mua CP chỉ là một trong số nhiều giải pháp mang tính chất hỗ trợ chứ không phải là chỗ dựa duy nhất, cuối cùng của NĐT. Đà khôi phục TT có vững chắc hay không phụ thuộc vào triển vọng kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của DN, cam kết hạn chế bán ồ ạt CP tự doanh của các CTCK, hay các NHTM cam kết tạm thời ngừng giải chấp CK cầm cố, sự tham gia TT của các NĐTNN, kỳ vọng và tâm lý của NĐT...
Về lâu dài, đó là tác động cộng hưởng của hàng loạt các giải pháp bình ổn mà Chính phủ đã, đang thực hiện. Chúng tôi hy vọng thông qua các giải pháp tổng thể này, các chủ thể tham gia TT như cơ quan quản lý, CTCK, NHTM và bản thân NĐT sẽ sớm tìm ra tiếng nói chung để đưa TTCK phục hồi tương xứng với vị thế và sức mạnh của nền kinh tế VN.
- Cảm ơn ông!