![]() |
Ban lãnh đạo Sabeco giới thiệu với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sản phẩm đầu tiên của nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi |
Đánh giá về thành công của Tổng Công ty Bia rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)- một đơn vị có doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách luôn trong tốp đầu của ngành công nghiệp VN và cả nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng bài học lớn nhất của Sabeco chính là đầu tư có hiệu quả. Và chính sự đầu tư hiệu quả các nhà máy sản xuất, đầu tư con người và chiến lược phát triển, Sabeco đã xây dựng được thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
"Phủ sóng" nhà máy
Nổi tiếng với các thương hiệu “bia Sài Gòn”, “bia 333”, “nước ngọt Chương Dương”, “rượu Bình Tây”..., nhưng sản phẩm của Sabeco có những thời điểm không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường do năng lực sản xuất có hạn. Vì vậy một trong những bước đi hiệu quả, thích hợp là liên kết xây dựng, củng cố một loạt các nhà máy bia địa phương theo hướng chuẩn hóa hệ thống chất lượng các dòng sản phẩm bia, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9002 từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm ở tất cả các nhà máy. Hiệu quả là vừa tận dụng được cơ sở vật chất, con người của các địa phương, lại vừa nhanh chóng có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Song hành với việc tăng năng lực sản xuất, Sabeco cải tổ hệ thống phân phối bằng chiến lược bán hàng mới. Đó là thành lập công ty TNHH thương mại-dịch vụ một thành viên bao tiêu sản phẩm Sabeco. Hơn 1.700 khách hàng được thu nhận là nhà phân phối cấp 1 bia Sài Gòn, với những quyền lợi và trách nhiệm đi kèm để thực hiện thống nhất chính sách một giá trên toàn quốc, bảo đảm bia Sài Gòn đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Hiện Sabeco đã và đang triển khai đầu tư 4 dự án trọng điểm công suất lớn ở TPHCM, như Nhà máy Bia Sài Gòn-Củ Chi, công suất 200 triệu lít/năm; ở miền Trung (Nhà máy Bia Sài Gòn-Quảng Ngãi, công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy bia Sông Lam, công suất 100 triệu lít/năm) và một số nhà máy mới ở Tây Nguyên, miền Bắc... để bảo đảm đạt công suất sản xuất trên 1,2 tỉ lít bia vào năm 2010 và 1,7 tỉ lít bia vào năm 2015.
Hướng đến một tập đoàn mạnh
Ngày 1-3, cùng với việc đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước trao tặng, Sabeco đã khánh thành đưa vào hoạt động Nhà máy Bia Sài Gòn-Củ Chi có công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Sabeco, với những dự án đã triển khai có tổng mức đầu tư gần 6.500 tỉ đồng, đến năm 2010, Sabeco đạt công suất trên 1,2 tỉ lít bia /năm, chiếm giữ khoảng 40% thị phần trong nước và trở thành hãng bia hàng đầu khu vực, nằm trong tốp 5 của châu Á, vượt qua vị trí 54/72 tập đoàn bia lớn nhất trong tổng số 1.200 nhà sản xuất bia trên thế giới. Cùng với đầu tư phát triển, Sabeco đã thực hiện một bước tiến trình cổ phần hóa, dự kiến cuối tháng 3 năm nay, Sabeco sẽ tổ chức đại hội cổ đông và chính thức bước vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4-2008. Theo ông Nguyễn Bá Thi, Chủ tịch HĐQT Sabeco, với một thương hiệu đã được khẳng định, đích nhắm của Sabeco sau cổ phần hóa là trở thành một tập đoàn công nghiệp đồ uống, thực phẩm tầm khu vực và quốc tế. Và mục tiêu này đang đến rất gần khi Sabeco đã và đang là đích nhắm của nhiều tập đoàn bia nổi tiếng thế giới, như Budweiser (tập đoàn bia lớn nhất của Mỹ), InBev (một “ đại gia”về bia ở châu Âu), Heineken (hãng bia nổi tiếng Hà Lan), ASAHI (Nhật), ThaiBia (Thái Lan)...