Các ngân hàng vẫn tiếp tục được cho vay chứng khoán - Ảnh: Trường Sơn
Khi đề cập về những diễn biến chính trong ngành ngân hàng năm 2008, ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN VN nói rằng, đây là một năm vất vả của chính sách tiền tệ, một năm mà NHNN đối mặt với nhiều vấn đề mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, khi nói về các biện pháp cụ thể của chính sách tiền tệ trong năm 2008, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngày 9.1 (hôm nay) NHNN VN mới tổ chức hội nghị tổng kết toàn ngành ngân hàng và các biện pháp cụ thể về định hướng cho chính sách tiền tệ chưa được Thủ tướng phê duyệt nên các thông tin cụ thể cũng chưa có nhiều.
NHNN VN sẽ đưa thêm tiền lẻ vào lưu thông Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về các biện pháp của NHNN VN trong việc giải quyết vấn đề thiếu tiền lẻ trầm trọng, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: "Trưa 8.1, ngay sau khi tham dự Hội nghị về đầu tư nước ngoài (Hội nghị "Việt Nam - Ngôi sao đang lên" - PV), tôi cũng đã họp với anh em về bài báo phản ánh việc thiếu tiền lẻ được đăng trên Báo Thanh Niên. Hiện tại, tôi cũng chưa biết sự việc có xảy ra đúng như lời kể không nhưng theo tôi đó là một bài học để NHNN VN rút kinh nghiệm". Ông Giàu cũng cho biết thêm, trong những ngày tới, NHNN VN sẽ đưa thêm nhiều tiền lẻ vào lưu thông để giải quyết tình trạng này. |
Trả lời câu hỏi về việc tỷ giá VND/USD giảm gây bất lợi cho xuất khẩu và làm nhập siêu tăng mạnh hơn, ông Giàu cho biết: trên thế giới, USD liên tục mất giá và mất tới hơn 10% so với đồng euro; tại Việt Nam, đồng USD không bị mất giá quá mức như trên thị trường thế giới, NHNN VN phải điều hành tỷ giá theo những tín hiệu của thị trường để duy trì mục tiêu khuyến khích xuất khẩu. Ông Giàu cũng nhận định, giá cả của nhiều mặt hàng chủ chốt như dầu, USD... trên thị trường thế giới biến động rất khó lường nên phải chờ tình hình ổn định mới có thể có biện pháp khác.
Liên quan đến vấn đề phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực hiện kích cầu cho thị trường chứng khoán, ông Giàu cho biết: "Các biện pháp được đưa ra phải giải quyết hài hòa cho sự phát triển của thị trường chứ không phải biện pháp dành cho những người đầu cơ chứng khoán". Ông Giàu cho biết, các biện pháp kích cầu này cần được bàn bạc thêm. Về đề nghị giãn tiến độ IPO của một số doanh nghiệp lớn, trong đó có các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, ông Giàu cho biết: "Tiến hành IPO lúc nào phải chọn một thời điểm phù hợp để IPO thành công. Nếu tháng 3 (thời điểm dự kiến IPO của Ngân hàng Công thương - PV) mà không phù hợp thì Chính phủ cũng như NHNN VN đều không đồng ý". Trả lời câu hỏi về việc sẽ có điều chỉnh Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán, ông Giàu nói, các ngân hàng vẫn tiếp tục được cho vay nhưng sẽ theo những quy định mới. Tuy nhiên, quy định mới đó là gì, thắt chặt hay nới lỏng thì ông Giàu chỉ cho biết: "Việc này đang được bàn thảo".
Trong cuộc họp báo, ông Giàu cũng cho biết, 87% dư nợ của hệ thống ngân hàng là vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng, thương mại và dịch vụ; 13% dư nợ còn lại là các lĩnh vực khác trong đó có bất động sản. Thống đốc NHNN VN cũng nhấn mạnh thêm về vấn đề cho vay bất động sản: "NHNN VN đã có khuyến cáo vào tháng 10.2007 rồi". Trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, việc đổ vỡ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã làm đảo lộn cả nền kinh tế nên việc mở rộng cho vay quá mức trong lĩnh vực này tại Việt Nam cần phải thận trọng và phải đưa ra những biện pháp kiểm soát. Ông Giàu nói: "Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương là phải đưa ra các chính sách nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Nếu nay mai chúng tôi có đưa ra biện pháp thì các bạn (ý nói các cơ quan báo chí - PV) cũng nên ủng hộ".