TTCK VN vào trung tuần tháng 10/2013 diễn ra khá bình lặng khi chỉ số VNIndex dao động trong biên độ khá hẹp, từ 485- 500 điểm.
Thị trường đã có sự điều chỉnh nhẹ sau khi không thể vươn lên các ngưỡng cao hơn. Lý do là khi giá cổ phiếu lên cao đã tạo ra một áp lực cung lớn.
Áp lực cung
Thanh khoản trên cả hai sàn HSX và HNX cũng chỉ đạt bình quân mỗi phiên 88,28 triệu đơn vị (thấp hơn 12,7% so với tuần trước). Diễn biến sôi động nhất vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu trong danh sách VN30, chiếm tới tới hơn 30% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Hơn nữa, trong 3 năm gần đây thì VN30 có mức tăng trưởng tốt hơn so với VNIndex (VN30 tăng 10,29%; trong khi VNIndex chỉ tăng 3,04%). Đồng thời thị giá của hơn 1/2 các mã trong VN30 có tốc độ tăng cao hơn so với bình quân toàn thị trường.
Điều này có được nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc VN30 đều duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu qua từng năm ở mức hai con số. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu tài chính về khả năng sinh lời: tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DN trong VN30 đạt 9,45%, trong khi trung bình toàn thị trường là 8,37%.
Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì tình hình hoạt động kinh doanh tích cực của các DN này là yếu tố thuyết phục nhà đầu tư quyết đinh giải ngân tham gia mua cổ phiếu.
Biến động vốn ngoại
Dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tuy có những biến động ra, vào thất thường nhưng từ đầu năm tới nay thì đã có hơn 400 triệu USD đổ vào TTCK VN, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như các năm trước đây khối ngoại tập trung mở các quỹ đầu tư và mua cổ phiếu để nắm giữ trong thời gian dài hạn thì hiện nay dòng vốn ngoại trở nên linh hoạt hơn, chủ yếu hướng đến các cổ phiếu mang tính thanh khoản nhất, thông qua giao dịch của các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF).
Như vậy vốn nước ngoài tham gia từ khi TTCK VN hình thành cho tới hết tháng 9/2013, số tiền đầu tư vào cổ phiếu niêm yết đã lên tới gần 8 tỷ USD.
Để khơi thông dòng vốn này mạnh hơn nữa thì đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết (hiện nay tỷ lệ được phép sở hữu tối đa là 49%) đang được rất nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế trông đợi.
Theo số liệu của Bloomberg, tính đến cuối quý III/2013, chỉ số P/E (thị giá /thu nhập bình quân cổ phiếu) bình quân TTCK VN là 12,89, thấp hơn mức 14,65 vào thời điểm cuối quý II/2013 và cũng thấp hơn mức P/E của các thị trường lân cận như Malaysia (16,67), Thái Lan (15,68), Philippines (18,87).
Cty Quản lý nợ quốc gia (VAMC) đã có những biện pháp khá khẩn trương, thể hiện rõ nét vai trò của mình khi đã mua lại nợ xấu từ 4 ngân hàng, đồng thời phát hành trái phiếu với trị giá 2.550 tỉ đồng cho các ngân hàng này. Hiện đã có tới gần 10 tổ chức tín dụng chủ động liên hệ để đề nghị hợp tác mua bán nợ xấu với VAMC.
Xu thế chung của thị trường sẽ vẫn không có nhiều thay đổi khi giá các cổ phiếu đang có sự tích lũy nhất định cho đến khi các DN công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2013. Do vậy, các chỉ số Index có khả năng đi ngang trong ngắn hạn.