Ông Võ Trường Thành-ông chủ của Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã thẳng thắn chia sẻ với nhà đầu tư câu chuyện đằng sau chuyện 13 ngân hàng họp lại với nhau để bàn phương án gỡ khó cho công ty.
Trong buổi nói chuyện với chúng tôi tuần trước, ông có chia sẻ thêm “cửa thoát hiểm số 2” cho Trường Thành.
Nếu thỏa thuận 400 tỷ đồng với đối tác chiến lược nước ngoài xuôi chèo mát mái thì có đủ cho Trường Thành hồi phục và phát triển?
Theo tôi là đủ rồi. Trường Thành chỉ cần 200 tỷ là đã đủ để cứu thanh khoản và hoạt động mạnh trở lại. Tuy nhiên, quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài không kinh doanh kiểu như vậy. Họ muốn đầu tư trọng yếu. Như SSI và Lotte đầu tư Bibica là cỡ ba chục phần trăm trở lên. Khi đầu tư trọng yếu như vậy thì tiếng nói sẽ có tính chất quyết định.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đến với Trường Thành cũng vậy, họ muốn đầu tư số tiền lớn. Nhưng, giám đốc tiên liệu của họ nhìn thấy môi trường tín dụng ở Việt Nam không ổn định. Khi thắt chặt, khi nới lỏng. Lạm phát có thể do nhiều yếu tố như đầu tư công, chi tiêu công, các công ty độc quyền nâng giá dịch vụ, hàng hóa nhưng chống lạm phát là nâng lãi suất lên để doanh nghiệp gặp khó. Rủi ro như vậy, với nhà đầu tư nước ngoài, họ cho là cao.
Nhà đầu tư chiến lược có đề xuất gì đặc biệt đáng chú ý?
Nhà đầu tư Nước ngoài không muốn đầu tư vào một công ty có cơ cấu nợ cao và gặp rủi ro như tôi đã nêu trên nên đưa ra ý kiến: NHTM đang là chủ nợ thì tham gia vốn góp vô doanh nghiệp. Tức, nếu ngân hàng đang cho vay trăm tỷ thì bây giờ góp vốn vô 30 tỷ còn 70 tỷ là nợ, biến một phần nợ thành vốn chủ sở hữu.
Đề xuất của họ cũng phù hợp với chiến lược tín dụng của Thủ tướng đã ban hành. Vì thế, khi đối tác nước ngoài đưa ra các yêu cầu thì Trường Thành đồng thời cũng gửi thư cho các ngân hàng thương mại. Có khoảng 60% ngân hàng thương mại đồng ý phương thức đó còn khoảng 40% không. Như vậy, không đủ điều kiện như nhà đầu tư nước ngoài mong đợi. Họ muốn 30% số nợ (tức 30%*1.200 tỷ) tương đương khoảng 360 tỷ đồng được chuyển thành vốn chủ sở hữu. Nhưng các ngân hàng chỉ mới đồng ý khoảng 200 thôi, còn 160 tỷ vẫn không đạt được.
Cũng may, Trường Thành đã đạt thỏa thuận với nhà đầu tư khác sẵn sàng đứng ra thương lượng mua nợ của các ngân hàng. Những ngân hàng không muốn chuyển nợ thành cổ phần sẽ bán lại nợ cho nhà đầu tư này và nhà đầu tư này sẽ thực hiện chuyển nợ thành vốn góp. Với cách làm như vậy, yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đáp ứng. Và, NĐTNN họ căn cứ vào các thỏa thuận đó (giữa TTF và NHTM, NĐT mua nợ và NHTM) để chuyển vốn.
Như vậy, từ 1.200 tỷ đồng nợ, Trường Thành sẽ giảm xuống còn 800 thôi. Tức, nợ được giảm. Còn tiền nhà đầu tư nước ngoài vô là tiền mặt, tăng vốn lưu động để hoạt động mạnh.
Lần này Trường Thành tái cấu trúc lại công ty thì dự kiến vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu sẽ khoảng 1.500 tỷ đồng còn nợ khoảng 800. Trước đó, vốn chủ gần 800 tỷ đồng và nợ 1.174 tỷ đồng. Đó là cơ cấu mới.
Xem tiếp kỳ 3: Cây tràm sẽ là “Át chủ bài” trong cơ hội từ TPP của Trường Thành