Giao dịch rất ít
Sức cầu trên thị trường rất thấp. Có ngày CP của NHTMCP Quân đội (MB) lệnh mua chỉ 100 triệu mệnh giá nhưng chỉ khớp 50 triệu. Đây là loại CP khá thông dụng trên OTC với những thời điểm giao dịch lên đến hàng chục tỉ đồng mệnh giá trong 1 ngày.
Anh T. (người môi giới) cho biết: "OTC tuần này chết lặng. Đầu tháng 10, có ngày tôi môi giới thành công 4,5 vụ. Tuần này, tôi đặt 20 tin bán trên mạng cả tuần, loại tin VIP nhưng chỉ có 29 người xem và 10 người gọi đến hỏi, nhưng mua-bán thực sự chỉ được 1,2 vụ với khối lượng nhỏ". Anh Nguyễn (Hà Nội) cho biết người mua rất ít, chủ yếu môi giới làm giá vòng vèo với nhau, một vụ thành công khi đến tay người mua thực sự thì đã qua 5 "con cò" (tiếng lóng chỉ người môi giới). Người mua thường chỉ đặt 1 đến 2 nghìn CP với mục đích làm giảm giá những CP họ đã chót mua cao.
Trong khi đó người bán lại cần tiền, lượng bán thường từ 5,10, 20 nghìn CP nên càng khó gặp nhau. Anh Nguyễn cũng cho biết, sức mua của dân Hà Nội hiện rất yếu, mua bán lại cò kè, khó khăn. Những lệnh mua lớn thường lại từ phía các tỉnh phía nam và Hải Phòng. Khách phía nam được tiếng là mua bán nhanh chóng, thoải mái. Vì vậy, thỉnh thoảng họ mua phải CP của vài DN yếu kém phía bắc do không nắm rõ thông tin.
Chỉ lùng CP hiếm, lạ
Thị trường OTC hiện trơ lì với các thông tin về tăng vốn, chia thưởng, cổ tức. Một số loại CP mặc dù các NĐT biết rõ là sắp được mua thêm hoặc đang chuẩn bị hồ sơ để lên sàn niêm yết trong quý I/2008 nhưng giá vẫn xuống. Những CP được săn lùng trong những tuần cuối tháng 10 như HAGL, Than Mông Dương, Bóng đèn Điện Quang, Alphanam, PVFI... nay giá đã hạ hẳn, không còn mấy người quan tâm.
Hiện chỉ có những CP của các DN sắp niêm yết ngay trong năm 2007 và CP của các DN vốn nhỏ, chưa chia, tách (NĐT gọi là CP hiếm) được nhiều người hỏi mua như 557, DMC, SeAbank, PVFC Invest, Licogi, các CP Cavico Sông Đà Thăng Long, Sông Đà 12, Thép Việt-Hàn, Công ty CK Kim Long, Traphaco, Licogi, Vinaconex. Vosco, Viconship, Lilama 695... Đã có hiện tượng các loại CP này đang được cố gắng đẩy giá lên.
Muốn "lên" phải nhờ làm giá
Một số người môi giới khẳng định trong bối cảnh thị trường OTC "lình sình" thế này, CP nào muốn lên được phải nhờ công nghệ làm giá của các đại gia. Có người dẫn ra một ví dụ vừa qua mã CP của một DN phía nam đang từ 140.000 đồng được đẩy lên khoảng trên 180.000 đồng trong mấy ngày nhờ một lệnh đặt mua 30 nghìn CP (lệnh này do chính người đã có sẵn 30 nghìn CP muốn bán). Đặt mua vào thứ 5 để trong mấy ngày cuối tuần không có giao dịch thật sự (vì các NĐT không rút được tiền từ NH), tạo ra một lượng cầu ảo, gây tâm lý giá tăng mạnh khiến mọi người đổ xô vào tìm mua, đẩy giá CP này trong 3 ngày lên đến 188.000 đồng/CP và người đặt mua kia ung dung bán ra CP của mình.
Sau cú lên giá ảo, CP này nay lại rơi xuống giá gần 160.000 đồng. Giải thích nguyên nhân vì sao các đại gia làm giá được, nhiều người cho rằng vì thông tin trên OTC còn rất mập mờ, bát nháo. NĐT thì tâm lý bầy đàn, bán mua nhiều khi chẳng phải phải lý do gì có tính kỹ thuật mà chỉ nghe tin đồn là nhao lên. Đám môi giới còn nhắc lại vụ một đại gia dùng 20 tỉ đồng để đẩy giá CP của một NH từ khoảng 40.000 đồng lên trên 90.000 đồng hối đầu năm. Anh Lê (NĐT) ngán ngẩm: "Tôi có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân tích thị trường và mã CP nhưng cũng chịu, không đoán được diễn biến của OTC, cứ như ma trận vậy. CP tốt thì chẳng lên. CP xấu được làm giá thì lên ào ào".
Nước nổi bèo nổi?
Nói về viễn cảnh OTC cuối năm, nhiều NĐT chưa khẳng định được gì. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng "nóng, lạnh" của OTC sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ của sàn niêm yết. Tuy nhiên trong lúc thị trường trầm lắng nếu tinh ý, biết thông tin nội bộ và nhận biết sự làm giá vẫn có thể kiếm lời được. Vừa qua, CP Vinaconex có lúc lên 10 giá trong 1 ngày, do vậy rất thích hợp để "lướt sóng" với những nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm.
Các thành viên nhóm phân tích OTC của CLB CK Hà Nội thì cho rằng mặc dù nhóm CP NH chưa có dấu hiệu tăng, nhưng giá đã ở mức quá thấp. Đã có thể mua vào CP có tính thanh khoản cao của một số NH có sức tăng trưởng và phát triển mạnh. Tuy nhiên, NĐT cũng cần theo dõi báo cáo cuối năm, các đợt tăng vốn, chia thưởng, thời gian lên sàn của một số NH và diễn biến IPO Vietcombank.