Môi trường đầu tư kém hấp dẫn đang khiến nhiều nhà đầu tư ngấp nghé chuyển sang các nước khác trong khu vực
Khác với thời kỳ bùng nổ thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của giai đoạn 10 năm trước, gần đây, Việt Nam đang đối mặt với xu hướng trái ngược khi một số nhà đầu tư cảnh báo sẽ có sự chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực do môi trường đầu tư của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn.
Kết quả khảo sát Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) châu Âu lần thứ 12 (quý III/2013) do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thể hiện rõ hơn cảnh báo này.
20% DN muốn bỏ đi
Theo báo cáo này, 20% DN châu Âu cho biết họ đang cân nhắc chuyển đầu tư sang thị trường khác trong ASEAN và chỉ có 18% DN khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu trong khu vực. Dù 80% DN châu Âu vẫn muốn tiếp tục kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nhưng theo ông Preben Hjorlund, Chủ tịch EuroCham, nhiều DN đã hoạt động tại Việt Nam nhận thấy các thị trường ASEAN khác là những điểm đến hấp dẫn, tiềm năng hơn.
Trong đợt khảo sát này, các DN châu Âu cho biết lạm phát chính là vấn đề họ lo ngại nhất. Đến 43% DN khẳng định lạm phát tác động đáng kể, thậm chí đe dọa hoạt động kinh doanh của họ (tăng 8% so với quý trước). Các DN cũng hoài nghi về triển vọng kinh tế vĩ mô, có đến 60% cho rằng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục suy thoái (tăng 12% so với kết quả điều tra của quý trước).
Xu hướng dịch chuyển đầu tư không chỉ diễn ra trong cộng đồng DN châu Âu. Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ diễn ra vào tháng 6-2013, Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam (AusCham) nhấn mạnh các nước Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đang nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn khiến tính cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực càng cao. Nếu Việt Nam không tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn FDI có thể tiếp tục bị giảm sút.
Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013, TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ĐH Quốc gia Hà Nội (VEPR), cũng cảnh báo môi trường đầu tư Việt Nam đang già đi, kém hấp dẫn trước “hiện tượng Myanmar” và sự cải cách đáng kể của một số nước ASEAN khác.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Sau khi đạt đỉnh cao thu hút vốn FDI trong năm 2008 với tỉ lệ thu hút chiếm tới 17% tổng vốn FDI vào châu Á và được phong là “thiên đường đầu tư”, Việt Nam hiện đối mặt với tình trạng sụt giảm dòng vốn này. Bên cạnh tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn có nguyên nhân chủ quan do môi trường đầu tư chưa đủ hấp dẫn.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hiện nay, địa phương nào cũng có một vài dự án gặp khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật chưa cụ thể, thiếu cơ sở thực hiện. Khi DN kiến nghị lên, lãnh đạo địa phương có tâm lý ngại trách nhiệm, không giải quyết triệt để. Những vụ việc như vậy gây nản lòng DN và làm mất điểm cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện những vấn đề cơ bản của nền kinh tế cũng như bảo đảm cho một hiệp định thương mại tự do bền vững và khả thi.
_Ông Preben Hjorlund, Chủ tịch EuroCham