Thời điểm này, chứng khoán là thượng sách

Nhà đầu tư mở tài khoản tại ACBS. Ảnh: H.THÚY

Giá vàng đang ở đỉnh cao nhất từ xưa tới nay, giá bất động sản đã bị đẩy lên ngoài tầm với của đại bộ phận người dân, đồng USD đang trong xu hướng giảm giá, lãi suất tiết kiệm âm, cổ phiếu đã xuống mức thấp hơn giá trị thực... Trong bối cảnh thị trường như vậy, nên chọn kênh nào đầu tư để được coi là thượng sách?

Từ câu chuyện thực

Ông Lê Minh, một nhà đầu tư chứng khoán, kể đầu năm 2004, cũng như hầu hết mọi người, khi thấy lạm phát khá cao, vì có chút vốn ông mua một căn nhà nát tại phường Tân Quy, quận 7-TPHCM, diện tích đất 4 m x 18 m, với giá 96 lượng vàng để đầu cơ (mức giá này được thiết lập từ cơn sốt bất động sản năm 2002 và nó chững lại cho đến năm 2006).

Sau khi mua, ông tiến hành bán. Để kiếm được khách, ông đã nhiều lần lên các báo: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Mua Bán... đóng tiền đăng quảng cáo; nhờ gần chục cò giới thiệu; phải đưa khách hàng đi coi nhà khoảng 50 lần... Sau hơn một năm vất vả tìm người mua, cuối năm 2005, ông Minh đã bán được căn nhà với giá 870 triệu đồng (tương đương 100 lượng vàng SJC).

Ngay sau đó cơn bão Katrina ập vào Mỹ, vàng tăng giá cực mạnh, chỉ trong vòng vài tháng số tiền mặt bị mất giá thảm hại làm cho vợ chồng ông buồn hiu. Vì nhà đất có tính thanh khoản kém, việc mua – bán mất rất nhiều công sức vất vả, lại luôn hàm chứa rủi ro về pháp lý và tranh chấp, vì vậy ông Minh quyết không “chơi” địa ốc nữa.

Sau một thời gian lưỡng lự, giữa năm 2006 ông quyết định “nhảy” vào chứng khoán. Lúc đầu ông rụt rè không dám mua nhiều. Nhưng khi tham gia thị trường lâu ngày, ông càng thấy mình hiểu hơn về những ưu điểm của cổ phiếu so với bất động sản.

Ngoài những rủi ro cao luôn rình rập (vì giá tăng, giảm thất thường), cổ phiếu còn nhiều ưu điểm vượt trội, như: thanh khoản nhanh, công việc nhẹ nhàng, tính tăng trưởng cao (số lượng cổ phiếu tăng lên nhờ doanh nghiệp tăng quy mô vốn), thị trường còn sơ khai nên tiềm năng còn lớn...

Sau nhiều tháng mua cầm chừng thấy hiệu quả lớn hơn thua lỗ, cuối cùng ông dốc toàn bộ số tiền bán nhà vào cổ phiếu. Để bổ sung kiến thức, ông mua - đọc rất nhiều sách, báo nói về đầu tư chứng khoán, nhờ đó ông Minh ngày càng hiểu và cảm thấy vững vàng hơn trong giao dịch cổ phiếu. Sau nhiều lần thăng hoa và thất bại, đến thời điểm này vốn ông đã tăng nhiều lần.

Cùng trong thời gian này, giá bất động sản được nhiều người cho là tăng “chóng mặt”. Chỉ trong năm 2007, giá đất nhiều khu vực ở quận 7 tăng gấp đôi (thật ra phải tính từ năm 2003 đến hết 2007 giá tăng gấp đôi, vì trong các năm từ 2003–2006 giá suy giảm và nhiều nơi giữ cầm chừng).

Vì thị trường tăng nên căn nhà của ông Minh (đã bán) đến nay giá cũng tăng theo. Nếu tính bằng tiền thì nó tăng được 2,3 lần (từ 12 triệu đồng lên 28 triệu đồng/m2), còn tính vàng thì giá chỉ lên được khoảng 1,2 lần (nhưng giá tăng gấp đôi).

Khi thấy giá đất quận 7 tăng mạnh, một số người thân tiếc cho ông Minh vì đã bán căn nhà với giá rẻ, nếu để đến giờ thì đã lãi to. Nghe xong, ông không bình luận gì. Rồi ông cho biết, với giá trị cổ phiếu ông cầm giữ đến ngày 11-1-2008 (được đầu tư từ vốn bán căn nhà nói trên), nếu bán hết thì số tiền thu về cho phép ông có thể mua một lúc nhiều căn nhà tương tự như căn đã bán năm 2005.

Chọn kênh nào?

Trong đầu tư, lúc nào cũng có người thành công và người thất bại (kể cả bất động sản). Những người thành công thường biết mua ở thời điểm giá thấp nhất, chứ không chạy theo phong trào lúc giá ở đỉnh cao. Theo lời khuyên của nhà đầu tư lừng danh thế giới là Warren Buffett (Mỹ): “Phải biết tham lam khi người khác lo sợ và lo sợ khi người khác tham lam”.

Trong thời điểm hiện nay, nếu mua vàng để “ôm” là không thích hợp (vì giá ở đỉnh cao kỷ lục, có thể tụt dốc bất cứ lúc nào); còn đầu tư vào bất động sản thì dễ bị ứ đọng bởi giá đã quá cao, lại phải vất vả trong việc tìm người mua – bán, đồng thời Nhà nước lại đang có chủ trương siết chặt, vì vậy khả năng sinh lời sẽ thấp, nếu không nói là rủi ro.

Còn chứng khoán, do thị trường hiện rất ế ẩm, giá cổ phiếu đã xuống thấp hơn giá trị thực, Nhà nước đang có hướng tháo gỡ, kích cầu nên ngày càng thuận lợi hơn; vì vậy theo ông Minh, hiện thời đầu tư vào cổ phiếu là thượng sách.

 

VN-Index sẽ đạt 1.100 điểm trong năm 2008

Tập đoàn Tài chính Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC) dự báo, năm 2008 thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á sẽ có nhiều thăng trầm do kinh tế Mỹ sa sút. Tuy nhiên, nó cũng sẽ đem lại lợi nhuận không tồi cho các nhà đầu tư. Đối với TTCK Việt Nam, hiện giá cổ phiếu trên sàn TPHCM (HoSE) đã trở lại giá trị thực, với hệ số P/E ở mức 20 lần (hiện nay đã thấp hơn vì HSBC đưa ra dự báo hồi đầu tháng 1). Đây là thời điểm các nhà đầu tư nên mua vào, chỉ số VN- Index sẽ đạt mức 1.100 điểm trong năm 2008.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây