![]() |
Nhà đầu tư lo lắng khi thêm một phiên chứng khoán giảm điểm. Ảnh chụp sáng 16-10 tại sàn SSI. Ảnh: H. Thúy |
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, thu nhập từ đầu tư vốn và chuyển nhượng vốn (trong đó có mua bán chứng khoán) sẽ phải đóng thuế. Tham gia giao dịch chứng khoán sẽ chịu thuế như thế nào, chọn hình thức nào có lợi là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm và đặt ra tại buổi trao đổi xung quanh vấn đề thuế chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Kim Eng ngày 16-10.
Nhà đầu tư rối?
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hai hình thức đóng thuế để NĐT chọn: Đóng trực tiếp 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc đóng 20% trên tổng thu nhập chịu thuế. Ông Đỗ Quốc Tuấn, chuyên viên Cục Thuế TPHCM, cho biết NĐT chỉ được đăng ký hình thức đóng thuế một lần/năm. Lợi nhuận của cá nhân tham gia góp vốn cho công ty được chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được tính là thu nhập từ đầu tư vốn và chịu thuế suất 5%. Nếu là cổ phiếu thưởng cho cá nhân có thành tích xuất sắc thì không tính vào thu nhập từ đầu tư vốn mà sẽ được cộng chung vào tiền lương để tính thuế. Một NĐT tên Dũng cho rằng cách nộp và cách thu thuế chứng khoán quá phức tạp: “Đến tôi là một NĐT lâu năm mà còn rối...”.
Đóng thuế kiểu nào?
Theo ngành thuế, nếu chọn hình thức đóng thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng thì xem ra khá dễ dàng, thuận tiện cho người nộp thuế và cho cả cơ quan thuế. Còn nếu nộp theo hình thức chịu thuế suất 20% tổng thu nhập (mua bán chứng khoán có lãi) thì cuối năm mới quyết toán, nhưng NĐT phải tạm nộp theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng. Nếu tính cả năm mà đầu tư lỗ thì NĐT không phải chịu thuế.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, đưa ra giả thuyết: Nếu anh A bỏ ra 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán, giao dịch 100 lần thì chịu thuế 10 triệu đồng. Nếu lời 10 triệu đồng, anh đóng thuế theo hình thức 0,1% sẽ không còn lãi đồng nào. Nhưng nếu anh B cũng bỏ ra 100 triệu đồng, giao dịch một lần cũng lãi 10 triệu đồng, nhưng anh chỉ phải đóng thuế 20% của 10 triệu đồng, vậy anh còn lãi 8 triệu đồng.
Ngược lại, nếu anh A đầu tư lướt sóng (100 lần) lời 50%, nghĩa là lời 50 triệu đồng (đóng thuế 0,1%) thì anh A còn lãi 40 triệu đồng. Còn anh B, do đầu tư dài hạn nên tỉ suất lợi nhuận thấp hơn (chỉ khoảng 20%) thì lời 20 triệu đồng, đóng thuế 20%, anh B không còn lãi. “Tùy theo NĐT lướt sóng hay dài hạn, lướt sóng lời nhiều hay ít mà chọn hình thức đóng thuế phù hợp cho mình”- ông Tuấn nói.
Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế, cho rằng NĐT hãy cẩn trọng, đừng vì ngại phiền phức mà chọn phương thức đóng thuế 0,1% để phải chịu thiệt. Còn bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng nếu đóng thuế theo hình thức 0,1% trên giá trị bán cổ phiếu thì NĐT sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu NĐT nào đã mua cổ phiếu từ trước ngày 1-1-2009 mà giá cổ phiếu đã giảm, có khả năng lỗ thì nên chọn hình thức đóng thuế 20% trên tổng thu nhập chịu thuế.
Một số chuyên gia cũng cho rằng trong thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu ảm đạm tác động mạnh đến tâm lý NĐT trong nước như hiện nay thì chưa nên áp dụng thu thuế chứng khoán.
Không nên truy thu thuế đầu tư trái phiếu |