Chỉ tính riêng khu vực TP. HCM, tiền huy động của các ngân hàng trên địa bàn tính đến giữa tháng 4 giảm gần 9.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3, trong đó tiền gửi tiết kiệm ở khối ngân hàng quốc doanh giảm 0,28%.
Đối với các ngân hàng cổ phần vừa mới chuyển đổi quy mô hoạt động từ nông thôn lên thành thị, tỷ lệ huy động vốn tính đến ngày 17/4 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi các ngân hàng này vẫn duy trì lãi suất huy động đụng trần 12%/năm.
Cụ thể, Western Bank, Bắc Á, Kiên Long tiếp tục giữ mức lãi suất huy động 1%/tháng, kể từ cuối tháng 3 đến nay. Riêng SCB phải ngưng chương trình phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu ghi danh VND, lãi suất 1%/tháng, kể từ ngày 18/4 theo yêu cầu của NHNN.
Theo lý giải của tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, vốn huy động tăng chậm do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân như: lãi suất bị cắt giảm từ 12%/năm xuống còn 11%/năm; lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá, người tiêu dùng không tha thiết với việc gửi tiết kiệm nên chọn mua vàng cất giữ. Nhu cầu vàng có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây, với mãi lực bán ra của SJC, PNJ có ngày lên tới 10.000 lượng. Phần lớn vốn nhàn rỗi trong dân hiện không còn mặn mà đổ vào ngân hàng như 2 tháng trước, khiến nhiều nhà băng gặp phải khó khăn trong việc đảm bảo thanh khoản.
Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết, với tình hình tăng trưởng huy động vốn đang chậm lại sẽ phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng trong bối cảnh cung tiền cạn dần. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, NHNN sẽ khó để vỡ trần lãi suất 12%/năm. Sở dĩ phải duy trì lãi suất 12%/năm nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hạn chế tình trạng luân chuyển vốn giữa các ngân hàng, đồng thời kiềm chế được lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất đầu ra của nhiều ngân hàng đã tăng cao trong những tháng gần đây, lên đến 21%/năm đối với vốn vay trung và dài hạn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình cần vốn sản xuất, kinh doanh và thị phần khách hàng vay vốn từ đó cũng dần bị thu hẹp.
Tuy nhiên, qua trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, nếu tiếp tục duy trì lãi suất đồng thuận 11% hay trần 12% của NHNN thì các ngân hàng khó duy trì được hoạt động, vì lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, lên trên 22% trong ngày cuối tuần qua. Nếu đem so sánh thì lãi suất vay vốn qua thị trường liên ngân hàng cao gần gấp đôi lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế. Nhưng cạn tiền, nhiều ngân hàng buộc phải vay vốn qua thị trường liên ngân hàng với bất kỳ giá nào để đảm bảo tính thanh khoản, do không thể tăng lãi suất lên cao để huy động trực tiếp tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Theo vị tổng giám đốc này, hiện các ngân hàng rất lúng túng bởi chính sách điều hành vĩ mô về lãi suất tiền gửi không nhất quán. NHNN vẫn duy trì mức trần 12%/năm, còn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) lại ra sức kêu gọi giữ nguyên mức lãi suất đồng thuận 11%/năm.
Ngày 18/4, VNBA tiếp tục gửi công văn đến các ngân hàng thành viên, kêu gọi thực hiện nghiêm túc trần lãi suất thỏa thuận là 11%/năm ở kỳ hạn 6 tháng trở lên và 10,5%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo VNBA, sau hơn 14 ngày thực hiện, sự đồng thuận lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng thành viên là nghiêm túc. Với mặt bằng lãi suất 11%/năm, VNBA cho rằng, thị trường tiền tệ sẽ ổn định hơn, vì mức lãi suất phù hợp.