Nằm trong chuỗi bài viết của Economist đưa ra 5 bài học có thể được rút ra từ sự kiện gây chấn động kinh tế thế giới trong suốt mấy năm qua, bài báo này đưa ra những ví dụ trong thực tế và hiệu quả mà chúng mang lại cho nền kinh tế.
Các nghiên cứu về chương trình nới lỏng định lượng cho thấy trên thực tế các gói QE đã làm giảm lãi suất trong dài hạn: 600 tỷ USD tài sản được mua vào sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm khoảng 0,15 - 0,2% (tương đương với lãi suất cơ bản ngắn hạn được Fed cắt giảm 0,75%). Chính sách lãi suất thấp hơn được đưa ra với mục đích nâng sản lượng thực của Anh và Mỹ thêm khoảng 2 - 3%, mặc dù chi phí đi vay ở các ngân hàng Anh vẫn khá cao.
Nghiên cứu mới nhất cũng đưa ra kết luận QE đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố biện pháp "forward guidance". Ví dụ, những tín hiệu từ Fed ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá của tất cả các loại tài sản (kể cả những tài sản mà Fed không trực tiếp mua vào). Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng tin tưởng vào lời hứa giữ lãi suất ở mức thấp của Fed hơn là tin vào QE.
Forward guidance có thực sự hiệu quả trong việc tăng sản lượng của nền kinh tế hay không là một câu hỏi hóc búa. Đã có nhiều lập luận cho rằng thông báo về chính sách trong tương lai sẽ làm giảm lãi suất dài hạn nhưng vẫn chưa thể lý giải tại sao lãi suất lại giảm. Lãi suất giảm vì các thị trường tin vào lời hứa của NHTW (điều này sẽ khuyến khích đầu tư và tăng trưởng). Tuy nhiên, lãi suất giảm cũng có thể là vì thị trường nhìn nhận lời cam kết giữ lãi suất ở mức thấp là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế yếu ớt hơn so với dự báo, dẫn đến tâm lý ngại đầu tư vì môi trường vĩ mô rủi ro.
Một số nghiên cứu gần đây cho rằng hiệu ứng đầu tiên - thị trường tin vào lời hứa - là điều quan trọng hơn. Ngược lại, một số người cho rằng những chỉ báo có thể quan trọng hơn nếu như thể hiện rõ ràng rằng đó là một lời cam kết về chính sách cụ thể chứ không phải là những dự báo về tình hình của nền kinh tế trong tương lai cùng với những chính sách đi kèm.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đang diễn ra: các nền kinh tế lớn vẫn èo uột. Sản lượng ở Anh vẫn thấp hơn so với mức đỉnh trước khủng hoảng. GDP và tỷ lệ thất nghiệp không có diễn biến vượt trội. Eurozone chỉ vừa mới thoát khỏi suy thoái kép và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số. Nói một cách ngắn gọn, các chính sách tiền tệ bất thường dường như không hiệu quả bằng các chính sách truyền thống.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định chính sách tiền tệ (dù là bất thường hay truyền thống) đã mất đi phần lớn sức mạnh khi ở mức gần 0. Simon Wren-Lewis (đến từ ĐH Oxford) cho rằng chính sách tiền tệ không thể ổn định nền kinh tế nếu không đi kèm với nới lỏng tài khóa, có nghĩa là chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn hoặc giảm thuế. Trong khi đó, Richard Koo (đến từ Viện nghiên cứu Nomura) thừa nhận rằng những doanh nghiệp hay hộ gia đình nợ nhiều không thể vay thêm được nữa, kể cả khi lãi suất thấp.
Các chuyên gia cũng nhận định chính sách bất thường có thể hiệu quả hơn nếu như các NHTW theo đuổi chúng một cách quyết liệt hơn. Ngay sau khi Nhật Bản hướng đến lãi suất gần 0, Chủ tịch Fed Ben Bernanke (lúc đó đang công tác tại ĐH Priceton) đã đưa ra lời khuyên nước này nền đặt mục tiêu lạm phát cao hơn, mua nhiều tài sản hơn và phá giá đồng yên bằng cách mua nhiều ngoại hối. Giáo sư đến từ ĐH Stanford Robert Hall tỏ ra nghi ngờ về việc lãi suất thấp giúp kinh tế Mỹ "chạy" nhanh hơn.
Christina Romer (đến từ ĐH California) là một trong số nhiều nhà kinh tế học có quan điểm cần phải tác động cả đến tâm lý. Bà lập luận rằng "thay đổi chế độ" không nhất thiết phải là thay đổi bộ máy lãnh đạo mà bao gồm cả thay đổi lớn về chính sách. Bà muốn các NHTW ngừng việc đặt ra lạm phát mục tiêu và thay vào đó là tập trung vào tổng chỉ của nền kinh tế. Mặc dù hai cách tiếp cận là giống nhau, mục tiêu GDP danh nghĩa giúp NHTW có nhiều khả năng chống lại thất nghiệp khi nền kinh tế suy thoái sâu. Theo bà, thay đổi chính sách cũng là dấu hiệu để thị trường nhận định Fed muốn khôi phục đà tăng trưởng.
Trong khi một số người chỉ trích các NHTW đã hành động quá ít, một số người lại lo ngại như vậy là quá nhiều. Bằng cách thổi phồng giá tài sản một cách giả tạo, các NHTW đang tạo nên tình trạng bất bình đẳng, làm giàu cho các công ty tài chính (bất chấp những lỗi lầm của bộ phận này trong quá khứ) và gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tiếp theo cũng như tạo nên sự hỗn loạn ở các thị trường mới nổi.
Có lẽ sẽ phải mất nhiều năm để phân biệt lời chỉ trích nào là đúng. Đến năm 1936, Milton Friedman và Anna Schwartz mới xuất bản cuốn “A Monetary History of the United States” (Lịch sử chính sách tiền tệ hiện đại của nước Mỹ) và chỉ ra một cách rõ ràng rằng chính sách tiền tệ chệch hướng đã tạo nên thời kỳ Đại suy thoái.
Thế nhưng, thật không may là nhiều nước vẫn phải chịu đựng tăng trưởng ì ạch. Do đó, một kết luận tương tự để chấm dứt cuộc tranh cãi về chính sách tiền tệ hiện nay vẫn còn là điều xa vời.