Cầu ngoại tệ tăng mạnh
Cuối tuần qua, giá USD mua vào của VCB đã lên tới 15.950-15.990 đồng và bán ra là 16.120 đồng. Ở một số NHTM CP khác, giá mua USD cũng ở mức 15.960 đồng và giá trần là 16.120 đồng. Tin từ các NH cho biết tuần qua dù NH đã mua USD với giá gần như đến trần nhưng không có người bán. Trong khi đó USD chuyển khoản cũng khan hiếm, trên thị trường tự do, giá USD đã tăng mạnh: 16.200-16.300 đồng/USD, nhưng cũng không có sẵn hàng. Trong khi đó, nhu cầu mua USD của các DN nhập khẩu cũng đã tăng mạnh, dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ ở các NH. Đặc biệt trước chỉ đạo của Chính phủ là không tăng giá xăng dầu từ đây đến tháng 6, các DN đã tính đến bài toán nhập khẩu xăng dầu để dự trữ (lên đến 30 ngày). Đây là một trong những lý do chính làm giá USD tăng lại. Ngoài ra, giá USD tăng mạnh trong những ngày qua là do NHNN mua ngoại tệ, giải quyết nhu cầu bức xúc của các DN xuất nhập khẩu
Quyết định của NHNN nới rộng biên độ giao dịch ngoại tệ ±1% thay cho mức ±0,75% trước đó, đồng thời cho phép thí điểm thực hiện giao dịch tỷ giá thoả thuận giữa các NHTM và DN, đã làm cho thị trường ngoại tệ linh hoạt hơn, có sự thông suốt hơn các kênh nguồn vốn ngoại tệ. Chưa kể, với chênh lệch lãi suất USD/VNĐ trong thời gian vừa qua, hầu hết các NH đều bán âm nguồn ngoại tệ để có chênh lệch lãi suất kiếm lời. Sau một thời gian người dân ồ ạt rút tiền gửi USD tại các NHTM bán đi lấy tiền đồng gửi NHTM do được lãi suất tới 12%/năm và tỷ giá giảm xuống còn 15.500 đồng/USD, thì nay nguồn USD rút ra để bán đã cạn dần. Đồng thời do lãi suất huy động vốn USD của các NHTM được điều chỉnh tăng, nên nhiều người khác không chuyển đổi USD sang tiền đồng nữa, làm giảm cung USD trên thị trường. Một lý do quan trọng khác làm USD tăng giá là do nhiều NĐT chuyển vốn sang vàng, khiến cung tăng mạnh và các DN vàng phải mua USD để nhập khẩu vàng
Lãi suất chạy theo
Trước cầu ngoại tệ của các NHTM có dấu hiệu tăng trở lại, tuần qua một loạt các NH đã tranh thủ tăng lãi suất huy động USD lên mức trần 6%/năm nhằm hút USD. Khởi đầu là Eximbank tăng mạnh lãi suất huy động USD ở các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng với mức tăng 0,2-0,3%/năm. Ngoài ra, khách hàng gửi từ 5.000 USD trở lên sẽ được cộng lãi suất thưởng bậc thang theo số dư tăng dần. Tiếp đó, ACB tăng lãi suất USD thêm từ 0,15-0,35%/năm, trong đó cao nhất là 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. VAB cũng vừa tăng lãi suất huy động USD cho các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng đều ở mức 6%/năm. Đặc biệt, mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn 2-4 các NHTM sẽ phải hạ lãi suất theo đúng thỏa thuận với Hiệp hội NH nhưng VPBank vẫn điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD vượt mức trần lãi suất huy động 6%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều NH còn phát hành giấy tờ có giá bằng USD. Điển hình, Sacombank phát hành kỳ phiếu USD đợt 1-2008 với tổng giá trị 30 triệu USD có kỳ hạn từ 1-6 tháng, mệnh giá tối thiểu là 10.000 USD. Maritime Bank cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn USD với mệnh giá tối thiểu là 100 USD. Chứng chỉ này có kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 11 tháng với lãi suất khá cao. Hiện nay, lãi suất cho vay trên thị trường liên NH cũng đã tăng mạnh với một số khoản vay qua đêm lên đến mức 3-5%/năm. Trước đây, các NH chỉ có nhu cầu vay USD trong 1 ngày, nay kỳ hạn vay đã tăng lên từ 4 ngày đến 1 tuần. Đặc biệt, các NH quốc doanh và các NH nước ngoài lại là những NH đi vay USD nhiều nhất.
USD còn tăng?
Dự báo từ tháng 4 tới đây tình hình ngoại tệ sẽ khác đi và nguy cơ thiếu ngoại tệ đã có. Vì hiện nay tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang là nhập siêu, tức lượng USD cần cho thanh toán vẫn lớn hơn lượng USD chảy vào trong nước. Ước tính đến hết quý I-2008 nền kinh tế nước ta nhập siêu tới 7,3 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu gấp 2,7 lần kim ngạch xuất khẩu. Nếu có bù bằng kiều hối hoặc từ đầu tư trực tiếp thì năm nay nước ta hoàn toàn có thể thiếu hụt vài tỷ USD. Từ đây đến cuối năm NHNN vẫn áp dụng biện pháp siết chặt nhằm kiểm soát lạm phát nên giá USD có xu hướng đi xuống, có nhiều khả năng NHNN sẽ mở rộng biên độ lên ±2%, vì vậy sự dao động của USD/VNĐ không hẹp như trước nữa mà các DN phải tập làm quen với sự dao động 2% này (dao động gấp 4 lần so với trước đây).
Tỷ giá như vậy thì các sản phẩm phái sinh cho USD/VNĐ sẽ phát triển mạnh. Khi đó sẽ không xảy ra tình trạng đột biến giá USD trong thời điểm nữa, giá USD ổn định trong phạm vi cho phép của NHNN chứ không biến động như trong thời gian qua. Mặc dù USD có tăng giá nhưng sẽ chưa có hệ luỵ gì lớn, vì giá USD vẫn nằm trong biên độ dao động của NHNN. Hiện nay, DN mới vay USD thì vẫn chưa đến hạn trả nợ. Còn các DN vay USD từ năm ngoái thì giá USD hiện vẫn là lời đối với DN. Tuy nhiên từ vấn đề này cho thấy các NH phải cẩn trọng hơn trong việc giữ trạng thái ngoại tệ để tránh thiệt hại. Khách hàng cá nhân không nên vội vàng bán USD ra để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm để tránh bị thiệt khi USD tăng giá trở lại.
Dịu Ngân