Tỷ giá VND/USD cuối năm nay ở mức nào?

Dự đoán giá USD đến cuối năm nay chỉ vào khoảng trên dưới 18.500 VND/USD, tức là tăng khoảng 5,8% so với năm ngoái - Ảnh: Reuters.

Gần đây, trong một số cuộc hội thảo và trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện một số dự đoán và kiến nghị khác nhau về tỷ giá, nghiêng về xu hướng tăng, thậm chí tăng mạnh.

Vậy diễn biến và dự đoán tỷ giá VND/USD tới đây sẽ ra sao?

Thứ nhất, để có cái nhìn tổng quát, cần xem xét diễn biến tốc độ tăng giá USD của các năm 1997-1999 (khi xảy ra cuộc khủng hoảng khu vực Đông Nam Á), của năm 2008 và những tháng gần đây (khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).

Hai nhận xét sơ bộ được rút ra về giá USD ở Việt Nam: khi xảy ra khủng hoảng ở khu vực và thế giới, thì tỷ giá VND/USD tăng lên, thậm chí tăng mạnh, nhưng khi phục hồi thì giá USD tăng thấp.

Bên cạnh đó, xét trong thời gian dài, thì tốc độ tăng giá USD thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng và giá vàng ở trong nước (tháng 1/2009 so với tháng 12/2000, trong khi giá tiêu dùng ở trong nước tăng tới 85,1% và giá vàng tăng tới 253,9% thì giá USD chỉ tăng 19,5%).

Thứ hai, cần xem xét diễn biến giá USD trên thị trường thế giới, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự biến động của giá USD ở trong nước. Mỹ là “tâm bão” của cuộc khủng hoảng, nhưng lạm phát tăng không đáng kể, gần đây đã giảm trong 6 tháng liền; đồng USD lại lên giá so với Euro, Bảng Anh, Rúp, Đô la Canada, Úc, Won...

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Tiêu dùng của Mỹ đã được thắt chặt sau nhiều năm nới lỏng. Nay tiền bơm ra nhiều nhưng các ngân hàng không dám cho vay và người dân cũng không dám vay. Nhiều nước đã bị thiệt hại lớn trước sự lâm nạn của các “đại gia” ở Mỹ. Xuất khẩu của nhiều nước vào Mỹ bị suy giảm...

Thứ ba, ở trong nước, hiện cũng có nhiều yếu tố làm cho tỷ giá VND/USD tăng (tức là VND mất giá so với USD). Việt Nam đã gia nhập WTO, trong khi kinh tế có định hướng xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu so với GDP đã vượt quá 70%, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
 

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 theo mục tiêu giảm mạnh so với năm trước (13% so với 29,5%), nhưng nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn thấp hơn nhiều (có thể chỉ còn dưới 5%).


Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Để khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, ngoài các biện pháp khác, thì công cụ tỷ giá sẽ được sử dụng, thậm chí còn “vượt trước ngăn chặn”.

Cũng do tác động của khủng hoảng mà lượng ngoại tệ vào Việt Nam năm 2009 sẽ không còn tăng như năm trước, thậm chí có nguồn còn bị giảm và giảm mạnh.

Nguồn FDI năm trước thực hiện 11,5 tỷ USD, nhưng năm nay có thể giảm chỉ còn một nửa (tháng 1/2009 chỉ còn bằng 70% so với cùng kỳ). Vốn đầu tư gián tiếp năm 2007 đạt 6,5 tỷ USD, năm 2008 chỉ còn khoảng 2,5 tỷ USD, khả năng năm nay sẽ còn giảm nữa.

Vốn ODA giải ngân thật cố gắng mới bằng năm trước (2,2 tỷ USD). Lượng kiều hối năm 2008 đạt khá và tăng cao (8 tỷ USD, tăng 2,5 tỷ USD so với năm 2007, khả năng năm tới chỉ còn khoảng dưới một nửa do việc làm ăn ở nước ngoài gặp khó khăn, do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam không còn lớn).

Thu từ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm ngoái đạt 4,020 tỷ USD (tăng 270 triệu USD), nhưng năm nay không tăng mà có thể còn giảm.

Khi cung - cầu USD bị mất cân đối, cán cân thanh toán tổng thể gặp khó khăn, thì phải giảm nhập siêu trên cơ sở tăng xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu và phải có tỷ giá VND/USD cao hơn để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, hấp dẫn các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài.

Với các yếu tố trên, người viết dự đoán giá USD đến cuối năm nay chỉ vào khoảng trên dưới 18.500 VND/USD, tức là tăng khoảng 5,8% so với năm ngoái.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây