NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Đấu giá cổ phiếu VCB - Cơ hội hay thử thách

 

Thời điểm chờ IPO Vietcombank cũng là lúc thử thách NĐT. Ảnh: Cao Thăng

Quan tâm vừa phải
 
Chuyên gia CK Huy Nam nhận định: Diễn biến thị trường trong các phiên giao dịch đầu tuần đến nay vẫn chưa thể đi đến một nhận định rõ ràng là thị trường phản ứng theo nguyên nhân nào. Có thể là từ VCB nhưng cũng chưa chắc chắn. Khó có thể nói “hào quang” của VCB khiến nhiều NĐT bỏ thị trường niêm yết để hướng đến VCB, bởi nếu không có IPO VCB thì thị trường cũng có thể đi theo chiều hướng vừa qua.

Cũng theo ông Huy Nam, NĐT cá nhân hiện nay khó có thể theo VCB do sức chịu đựng về tài chính có hạn, trong bối cảnh Chỉ thị 03 vẫn đang siết chặt. Với những chỉ số cơ bản của VCB đã công bố, cho thấy không quá hấp dẫn, ẩn số còn nhiều, khi đổ tiền vào IPO VCB thì đồng vốn NĐT sẽ phải nằm im khá lâu.

Cuộc chơi này có thể chỉ dành cho các NĐT chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều tổ chức cũng “úp mở” cho biết họ cũng chưa có ý định đầu tư vì chưa nhìn thấy nhiều điểm sáng từ VCB. “NĐT cá nhân nên thận trọng vì rất nhiều vấn đề chưa được giải đáp rõ. “Thương vụ” VCB chỉ dành nhiều cho các NĐT chuyên nghiệp và tổ chức, còn đối với NĐT cá nhân, đây thực sự là thử thách hơn là cơ hội bình thường” - ông Nam nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc bộ phận phân tích đầu tư của CTCK Tân Việt, chia sẻ: Để dự đoán mức độ ảnh hưởng cũng như định giá đấu của VCB, còn phải chờ đến gần thời điểm kết thúc đăng ký đấu giá. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, một số NĐT cá nhân lớn của Tân Việt khi trao đổi với ông đều cho biết chỉ quan tâm đến VCB ở một mức độ vừa phải.

Theo ông Bùi Đức Thịnh, Trưởng phòng phân tích đầu tư của CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS), IPO VCB sẽ có tác động lớn đến thị trường vì một lượng tiền lớn sẽ đổ vào đây. Song tác động vào thị trường thời điểm này thì chưa thực sự rõ ràng, bởi giai đoạn hiện nay chỉ mới là đăng ký. Có thể mức độ ảnh hưởng sẽ trước ngày 18-12 (thời điểm cuối cùng đăng ký đấu giá VCB) theo T+3 đối với những NĐT muốn bán CK để tham gia đặt cọc.

Vài ngày gần đây, thị trường đang có những thông tin cho rằng NĐT nước ngoài đang có động thái “ghìm” giá CP trên sàn niêm yết để mua được giá tốt của VCB. Song theo ông Huy Nam, điều này cũng chưa thực sự rõ ràng và khó có thể khẳng định.

Trong vài phiên giao dịch gần đây, lượng cung CP để “chạy” tiền không xảy ra như một số phiên đấu giá trước kia. Một số chuyên gia cho rằng NĐT đã có kinh nghiệm từ những cuộc đấu giá trước kia nên đã bình tĩnh hơn. Theo ông Thịnh, NĐT cá nhân nên xem xét tham gia IPO VCB bằng hình thức đầu tư dài hạn.

TS Lê Trung Thành, Phó trưởng bộ môn CK của  Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết nếu xét ở những chỉ số tài chính cơ bản thì những NHTM CP lớn như Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay ngay cả Ngân hàng Quân đội (MB) đều tốt hơn rất nhiều. Liệu “ẩn số” của VCB có lộ diện sau khi IPO, chuyển hóa doanh nghiệp?

Khó có giá IPO cao?

Theo đánh giá của các chuyên gia và NĐT, mức độ sôi động của IPO VCB hiện không bằng so với IPO của Bảo Việt trước đó. Buổi giới thiệu CP đến NĐT của VCB diễn ra ngày 11-12 tại Hà Nội không đông hơn Bảo Việt, cho thấy mức độ quan tâm, cũng như “bài học” được nhiều NĐT rút ra từ sau phiên đấu giá Bảo Việt.

Một số ý kiến cho  rằng trong IPO VCB sắp tới, những NĐT cá nhân đang bị chịu nhiều sức ép về vốn từ do Chỉ thị 03, do DN phát hành thêm nhiều CP, cung có dấu hiệu vượt cầu. Chính vì vậy, nhiều loại CP đã rớt xuống mức giá hấp dẫn nhưng nhiều NĐT vẫn “thờ ơ”.

Những diễn biến trên thị trường thời gian gần đây cũng cho thấy nhiều NĐT thận trọng hơn với việc bỏ giá IPO của VCB. Một NĐT tại sàn IRS cho biết có thể anh sẽ tham gia đấu giá VCB, nhưng cũng không tham gia mua bằng được và sẽ bỏ giá khoảng 120.000 đồng/cổ phần. “Nếu xét trên mức vốn của VCB thì chỉ số PE của VCB là khoảng 53 vào năm nay và 50 vào năm 2008. Mức này là quá cao so với 2 ngân hàng đã niêm yết trên sàn và so với 4 đại gia ngân hàng của Trung Quốc - khoảng 38”- anh trình bày quan điểm.

Một số chuyên gia cũng nhận định: Với bối cảnh thị trường hiện nay, NĐT đã có nhiều kinh nghiệm hơn, thì sẽ không có nhiều NĐT tìm mọi cách bỏ giá VCB để sau đó bán quyền, bởi nếu ít vốn mà chỉ đầu cơ thì VCB không phải là CP hấp dẫn. Còn nếu bỏ giá cao thì có thể sẽ phải bỏ cọc. Vì vậy, khó có thể đặt mức giá trên 200.000 đồng/cổ phần.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây