VN - Index: Có xứng đáng là hàn thử biểu?

Các cụm từ như: "Hàn thử biểu sàn TP HCM", "Hàn thử biểu thị trường chứng khoán Việt Nam"... đã được sử dụng khá phổ biến. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam nghiễm nhiên được khoác lên mình cái "chức danh" là hàn thử biểu của cả nền kinh tế. Có nghĩa nó phải đo lường được "sức khỏe" của toàn bộ nền kinh tế, chỉ số của thị trường phải thể hiện chu kỳ phát triển của nền kinh tế, từ đó tạo mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa thị trường chứng khoán và thị trường tài chính khác. Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có đủ khả năng thực hiện được chức năng này hay không?

300 DN - chưa đại diện cho nền kinh tế

Một trong những yếu tố bắt buộc để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành hàn thử biểu của nền kinh tế, đó là thị trường phải chứa đựng những DN lớn tiêu biểu cho mọi ngành nghề, có sức chi phối mạnh mẽ, đủ sức đại diện cho một nền kinh tế.

Nhưng theo thống kê, hiện nay có khoảng gần 300 Cty niêm yết trong đó sàn HoSE khoảng 153 Cty và sàn HaSTC khoảng hơn 130 Cty. Con số này có vẻ là quá ít so với con số hàng trăm nghìn DN thực tế đang hoạt động. Mặt khác, các DN niêm yết chủ yếu là những DN nhỏ và vừa, chưa phải là những DN lớn có sức chi phối trên thị trường như: Incombank, Agribank, BIDV (đại diện cho nhóm ngân hàng), VinaPhone, MobiFone (đại diện cho nhóm viễn thông), hoặc các đại gia khác trong ngành dầu khí, khoáng sản, than, hàng không v.v... Trong năm 2007, thị trường cũng đã đón nhận những đợt IPO lớn được giới đầu tư quan tâm như Bảo Việt, PVFC, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank v.v... Nhưng ngay cả đợt IPO được coi là lớn nhất chốt năm 2007 của Vietcombank cũng chỉ đạt tỷ lệ 30% vốn điều lệ.

Về mức vốn hóa của thị trường, cuối năm 2006, tỷ lệ vốn hóa thị trường đạt 22% GDP và tính tới thời điểm ngày 25/9/2007, sau 7 năm, mức vốn hóa toàn thị trường mới chỉ đạt 27 tỷ đồng, chiếm 33,8%GDP. Trong khi đó theo kế hoạch mà Chính phủ đặt ra thì tới năm 2010, tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán phải chiếm 50%GDP và con số này phải tăng đến 70% vào năm 2020. Đây có lẽ là bài toán khá hóc búa trên con đường đưa thị trường chứng khoán thực sự trở thành hàn thử biểu theo đúng nghĩa của nó.

Bao giờ đến... giá trị thực

Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu thì giá của cổ phiếu phải phản ánh tương đối chính xác giá trị nội tại của Cty niêm yết. Trên lý thuyết, có 3 phương pháp phổ biến để xác định giá trị thực của cổ phiếu: Phương pháp chiết khấu luồng cổ tức DCF, phương pháp chỉ số P/E và phương pháp tài sản ròng có điều chỉnh.

Khoan hãy nói tới cách sử dụng và công thức của 3 phương pháp này mà hãy nói tới các nguồn số liệu đầu vào để sử dụng 3 phương pháp. Một thực tế hiện nay là phần lớn các con số tính toán về giá trị thực của cổ phiếu đều chỉ sử dụng một cách máy móc những số liệu ghi trên báo cáo tài chính của các Cty niêm yết.

Như vậy thì những tính toán trên sẽ chưa thể hiện được đầy đủ giá trị nội tại của Cty mà nó phản ánh. Ngoài ra, sự kém minh bạch còn khá phổ biến, kèm theo đó là những yếu tố thuộc về tài sản vô hình của Cty (trình độ quản lý, nhãn hiệu thương mại, chất lượng sản phẩm...) chưa thể phản ánh hết trong báo cáo tài chính.

Trên một khía cạnh khác, sự thiếu kiến thức của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường đôi lúc biến họ thành những kẻ đầu cơ nửa vời chỉ quan tâm tới lợi nhuận trong ngắn hạn và chịu ảnh hưởng bởi sự chi phối của những "đại gia" lớn như: chủ tịch hội đồng quản trị các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài hay những báo cáo ngoại v.v...

Sự cộng hưởng của các yếu tố trên đôi khi dẫn đến hiện tượng giá bong bóng trên thị trường. Trong giai đoạn thị trường Việt Nam tăng nóng, Chủ tịch một tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ đã nói rằng: P/E khi đầu tư vào Việt Nam khoảng 39,5, cao hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi nền kinh tế tăng trưởng nóng như Trung Quốc, với EPS=20% thì P/E cũng chỉ xấp xỉ 19.

Cho tới thời điểm hiện nay, sau một giai đoạn dài trượt dốc thì việc xác định giá trị thực của DN cũng như xác định mức P/E đã phản ánh đúng giá trị thực của DN hay chưa vẫn luôn là một bài toán khó ngay cả đối với những người "lành nghề".

Chưa thể phản ánh tương đối chính xác biến động của nền kinh tế

Nửa cuối năm 2007 và quý I năm 2008, bất chấp những báo cáo tài chính đã kiểm toán của các Cty niêm yết với kết quả kinh doanh khá tốt, bất chấp những dự đoán khá tốt tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bảng điện tử báo giá trên hai sàn HoSE và HaSTC vẫn liên tục nhuộm đỏ qua các phiên bên cạnh một số mã xanh yếu ớt.

Ngoài ra, ta thấy rằng nền kinh tế Việt Nam chủ yếu có bốn kênh đầu tư: thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng trung và dài hạn, thị trường bất động sản và thị trường tiền tệ. Trong thời gian qua, sự ảm đạm của thị trường chứng khoán dường như cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới các thị trường còn lại, nếu có, thì cũng chỉ như sự ảnh hưởng của một hàng hóa này tới một hàng hóa thay thế khác. Như vậy nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ta chưa thể thấy được bức tranh khái quát của toàn bộ nền kinh tế.

Từ các phiên giao dịch gần đây cho thấy các cổ phiếu đã có sự phân hóa rõ ràng về xu hướng và giá. Bảng điện tử có cả màu trần và màu sàn xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu khác nhau từ "Bluechips" tới các cổ phiếu "hạng ruồi" và "hạng lông". Điều đó bắt buộc các nhà đầu tư bắt đầu phải suy nghĩ để lựa chọn được danh mục tối ưu nhất. Theo các chuyên gia, biện pháp tối ưu hiện nay được hiểu là đảm bảo an toàn cho đồng vốn đầu tư chứ không phải chạy theo lợi nhuận như thời kỳ đỉnh cao của năm 2006 đầu năm 2007.

(Nhận định của ông Bùi Ngọc Long -
Giám Đốc marketing Cty Chứng khoán IRS
)

Lê Phương Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây