VN-Index tăng phiên thứ 7 liên tiếp

Thị trường chứng khoán bất ngờ sôi động. (Ảnh: LAD)

“Một lượng lớn cổ phiếu đã được tung ra bán ngay từ đầu phiên giao dịch do rất nhiều nhà đầu tư mua được cổ phiếu ở mức giá rẻ vào cuối tuần trước đã hiện thực hoá lợi nhuận”, anh Hoàng, một nhà đầu tư có mặt tại sàn chứng khoán SeABank sáng nay nói.
“Rất nhiều người đã lãi ròng 20-25% trong hơn một tuần qua và quyết định bán ra là một điều dễ hiểu. Hơn nữa, thị trường chứng khoán thế giới sau gần 2 tuần hồi phục đã bất ngờ quay đầu giảm giá mạnh cũng đã khiến những nhà đầu tư còn lưỡng lự đã quyết định bán ra”, anh Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khá nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường đang bước vào một đợt hồi phục mới do vậy hiện tượng bán mạnh ra cũng không thể khiến họ ngừng mua vào.

Đây là nguyên nhân khiến thị trường rất sôi động. Ngay trong đợt giao dịch đầu tiên trong phiên sáng 6/11, khối lượng giao dịch đã đạt mức rất cao - tới hơn 7,2 triệu đơn vị, trị giá gần 230 tỷ đồng.

Chung cuộc, khối lượng giao dịch đạt gần 30 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá hơn 920 tỷ đồng - mức cao nhất trong gần một tháng qua.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống 12% (và có thể thấp hơn nữa trong thời gian tới), nhiều doanh nghiệp đăng ký mua hàng chục triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian tới… sẽ khiến thị trường hồi phục.

Sàn HOSE: giao dịch tăng đột biến

Kết thúc phiên giao dịch sáng 6/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng nhẹ 1,68 điểm (tương đương tăng 0,44%) lên 379,51 điểm.

Đây là phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp của chỉ số với tổng số điểm có thêm là 56,71 điểm (tương đương 17,57%).

Sáng nay, trong tổng số 163 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 37 mã tăng giá (có 14 mã tăng kịch trần), 113 mã giảm giá (trong đó có 65 giảm kịch sàn), 9 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch (PMS của CTCP Cơ khí Xăng dầu).

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 6/11 tăng vọt lên 29,7 triệu đơn vị, trị giá 922,5 tỷ đồng (so với 15,4 triệu đơn vị và 435,7 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tuyệt đối bao gồm: FPT (tăng trần 3.500 đồng, lên 89.000 đồng/cp); SJS của Phát triển khu công nghiệp Sông Đà - Sudico và VNM của Vinamilk cùng tăng 3.000 đồng, lên tương ứng 67.000 đồng/cp và 92.000 đồng/cp; DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, SGH của Saigon Hotel và VPL của Vinpearl cùng tăng 2.500 đồng, lên tương ứng 61.000 đồng/cp, 89.000 đồng/cp và 97.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu blue-chips có mức tăng trần bao gồm: PET của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (tăng 1.000 đồng, lên 21.100 đồng/cp); PPC của Nhiệt điện Phả Lại (tăng trần 1.200 đồng, lên 26.900 đồng/cp); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (tăng trần 1.800 đồng, lên 38.400 đồng/cp); TDH của Nhà Thủ Đức (tăng trần 1.700 đồng, lên 36.700 đồng/cp).

Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (giảm sàn 4.500 đồng, xuống 93.000 đồng/cp); BMC của Khoáng sản Bình Định (giảm sàn 4.000 đồng, xuống 85.000 đồng/cp); IMP của Dược phẩm Imexpharm (giảm 3.500 đồng, xuống 77.000 đồng/cp); cổ phiếu mới lên sàn OPC của CTCP Dược phẩm OPC (giảm sàn 2.600 đồng, xuống 49.400 đồng/cp); DPM của Đạm Phú Mỹ (giảm sàn 2.400 đồng, xuống 47.300 đồng/cp).

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (7,25 triệu đơn vị); HPG của Tập đoàn Hoà Phát (1,76 triệu); SAM của Sacom (1,6 triệu); FPT (1,3 triệu); PVF của PetroVietnam Finance (1,23 triệu).

Sàn Hà Nội: HASTC-Index giảm 2,48%

Không thể trụ vững giống như sàn TP.HCM, đa số các cổ phiếu trên sàn Hà Nội, bao gồm cả 2 cổ phiếu lớn là ACB của Ngân hàng Á Châu và KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc quay đầu giảm giá.

Chỉ số HASTC-Index sáng 6/11 giảm 3,11 điểm (tương đương giảm 2,48%) xuống 122,12 điểm.

Mặc dù vậy, có một tín hiệu khá tốt là khi giá cổ phiếu giảm khối lượng giao dịch tăng đột biến.

Cụ thể, khối lượng giao dịch thành công phiên này tăng lên 20,3 triệu đơn vị, trị giá 622 tỷ đồng (so với 9,2 triệu đơn vị và 256,4 tỷ đồng phiên liền trước), chỉ thấp hơn mức cao kỷ lục là 22,7 triệu cổ phiếu được lập vào ngày 8/9 vừa qua.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 155 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 47 mã tăng giá, 97 mã giảm giá, 8 mã đứng giá và 3 mã không có giao dịch.

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối bao gồm: RCL của Địa ốc Chợ Lớn (tăng trần 2.800 đồng, lên 44.300 đồng); SDC của CTCP Tư vấn Sông Đà (tăng trần 1.900 đồng, lên 30.700 đồng); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (tăng 1.800 đồng, lên 29.400 đồng); DBC của Nông sản Bắc Ninh (tăng trần 1.300 đồng, lên 20.800 đồng); KLS của Chứng khoán Kim Long (tăng trần 1.100 đồng, lên 17.600 đồng).

Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối bao gồm: VNR của Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (giảm sàn 2.100 đồng, xuống 29.300 đồng); SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn Saplastic (giảm sàn 1.600 đồng, xuống 21.800 đồng); VC6 của Vinaconex 6 (giảm sàn 1.200 đồng, xuống 16.500 đồng).

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á châu giảm 1.400 đồng (2,97%), xuống 45.800 đồng/cp; KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 1.500 đồng (2,68%), xuống 54.400 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 3,37 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (1,93 triệu); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (1,76 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (1,71 triệu); NTP của Nhựa Tiền Phong (0,78 triệu).

Hứng khởi qua đi, chứng khoán Mỹ giảm mạnh

Một yếu tố khiến lượng cung cổ phiếu tăng rất mạnh sáng nay là do tác động của thị trường chứng khoán thế giới.

Cho dù có nhiều dự báo khả quan nếu ứng cử viên Obama đắc cử tổng thống Mỹ, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm rất mạnh trong phiên giao dịch ngay sau khi Obama trở thành tổng thống thứ 44 của quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Trước đó, hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong gần 2 tuần sau khi tụt giảm xuống mức thấp nhất trong 2-3 thập kỷ do tác động của cơn bão tài chính lớn nhất kể từ đại suy thoái 1930.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch vừa qua (cuối ngày 5/11 giờ Mỹ, rạng sáng 6/11 theo giờ VN) đã sụt giảm dữ dội

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 486,01 điểm, tức 5,05%, xuống mức 9.139,27 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 52,98 điểm, tức 5,27%, xuống mức 952,77 điểm.

Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên giao dịch vừa qua cũng giảm 98,48 điểm, tức 5,53%, xuống mức 1.681,64 điểm.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu kết thúc phiên giao dịch 5/11 cũng giảm khoảng 1-4%.

Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á tính tới 11h ngày 6/11 (giờ Việt Nam) đang giảm khoảng 4,5-6,5%.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây