 |
Khách hàng khó vay tiền vì ngân hàng đang siết tín dụng - Ảnh: THANH ĐẠM
|
Theo ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), hiện NH dùng tín dụng như khoản khuyến mãi để thu hút khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ khác, có số dư tiền gửi ổn định để tăng nguồn thu cho NH.
Sẽ thông báo sau
Đầu tuần này, chị Lê Nguyễn Thị Thanh (Q.3, TP.HCM) cho biết có đến ACB vay 100 triệu đồng thế chấp bằng giấy tờ nhà nhưng NH cho biết đã dừng cho vay thế chấp bằng bất động sản. Tương tự, anh Trần Hải Minh (Q.10, TP.HCM) cho biết định vay 150 triệu đồng để nâng cấp cửa hàng kinh doanh nhỏ. Dù đã "lượn" đến bốn NH cổ phần nhưng đều nhận được câu trả lời khi nào cho vay sẽ thông báo sau.
Chính phủ đã chủ trương giữ tăng trưởng tín dụng năm 2008 ở mức 30% cho toàn hệ thống NH. Hiện nay, NH ưu tiên cho vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh, làm hàng xuất khẩu, hàng thiết yếu, hạn chế cho vay đầu tư, kể cả dự trữ hàng hóa...
|
Vì sao NH không mặn mà khi cho vay? Ông Lý Xuân Hải cho biết đến nay tăng trưởng dư nợ cho vay của ACB đã đạt mức 30% so với cuối năm 2007. Do ACB chủ trương không tăng dư nợ vì vậy chưa thể cho vay thêm với khách hàng mới mà tập trung phục vụ khách hàng hiện hữu, đã gắn bó với ACB.
Một số NH cổ phần cũng cho biết chỉ cho vay trong trường hợp còn hạn mức nhưng ưu tiên cho khách hàng trả khoản vay cũ có nhu cầu vay tiếp. Hiện các NH đang tập trung quản lý chặt việc thu nợ, giảm được dư nợ tín dụng để có thể ưu tiên cho vay khoản mới.
Tình trạng khép cửa tín dụng cũng xảy ra ở NH thương mại nhà nước. Ông Nguyễn Văn Sẽ, quyền giám đốc Sở giao dịch 2 Vietinbank, cho biết nếu có cho khách hàng mới vay vốn thì điều kiện vay cũng chặt hơn. Với doanh nghiệp đã được cấp hạn mức tín dụng từ đầu năm thì NH cũng tư vấn cho khách hàng nên cơ cấu lại hạn mức vay vốn cho phù hợp, quay vòng vốn nhanh hơn, tránh vay nhiều vốn dễ gặp rủi ro vì lãi suất đang ở mức cao.
Vay tiền khó là dấu hiệu tích cực!
Một chuyên gia NH nói tình trạng vay tiền NH "hơi bị khó” là tín hiệu tích cực cho kiềm chế lạm phát. Khi các NH giữ tăng trưởng tín dụng ở mức 30% so với cuối năm 2007 sẽ giúp kiềm chế bớt sức mua, giảm lượng tiền trong lưu thông, qua đó kiềm chế lạm phát. Nếu NH mạnh tay cho vay, nhiều doanh nghiệp cùng đổ tiền vào mua dự trữ nguyên vật liệu sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Tương tự, nếu NH vẫn thoải mái cho vay tiêu dùng, mua nhà và xây sửa nhà, kể cả mua ôtô sẽ đẩy nhu cầu lên cao, kéo giá cả tăng theo. Trong một số trường hợp, việc NH hạn chế cho vay ít nhiều có "phản ứng phụ” như nhu cầu vay tiền xây sửa nhà là chính đáng nhưng trong tình cảnh khó khăn, việc một số trường hợp khó vay tiền cũng phải chấp nhận.
Chuyên gia này nhắc lại năm 2007, khi đó các NH chạy đua tăng tín dụng, điều kiện vay mượn khá dễ, thậm chí có thể giải quyết ngay trong 24 giờ đã đẩy tín dụng tăng mạnh, là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao trong năm 2008. Vì vậy, đầu năm 2008, khi mạnh tay thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, NH Nhà nước đã "để ý” đến hoạt động cho vay tiêu dùng và đến nay các NH đã cùng thắt chặt hoạt động này.