Việc cho phép thăm dò khai thác khoáng sản ở Kon Tum: UBND tỉnh làm trái luật?

Để đánh thức tiềm năng của vùng đất nghèo, Cty Khoáng sản cùng ban ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành liên quan cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để khai thác khoáng sản Đa Kim - Wolfram. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển đổi đất rừng, lập tức UBND tỉnh "thay lòng đổi dạ" ký văn bản trình Thủ tướng cho phép Công ty cổ phần Khai khoáng Hoà Phát vào thăm dò khai thác khoáng sản Đa Kim - Wolfram tại đúng vị trí mà trước đây UBND tỉnh đã trình cho Cty Khoáng sản (!?). Chuyện thật như bịa được sinh ra nhưng chưa chắc sẽ sống mãi với thời gian...

Cty Khoáng sản tìm thấy Đa Kim - Wolfram

Sau nhiều năm vượt núi băng rừng, cuối cùng thì Cty Khoáng sản cũng tìm ra khoáng sản Đa Kim - Wolfram (loại khoáng sản quý hiếm) cần được khai thác để tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo công ăn việc làm cho tỉnh nghèo như Kon Tum. Để chứng minh là nhà đầu tư thật và vì mảnh đất nghèo Kon Tum, ngày 10.7.2006, Cty Khoáng sản ký "Tờ trình về việc xin lập đề án đầu tư thăm dò khoáng sản Đa Kim - Wolfram" gửi thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Nhận ra tính hiệu quả của đề án dù nó "đụng chạm" đến việc chuyển đổi đất rừng, song vì lợi ích chung nên UBND tỉnh đã đồng tình với đề án của Cty Khoáng sản. Và ngày 4.8.2006, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Quý chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan và đi đến kết luận: Tỉnh hoan nghênh công ty có ý định thăm dò khảo sát mỏ Đa Kim - Wolfram. Công ty cần phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh khu vực thăm dò khai thác từ vùng lõi ra vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mom Ray...

Mọi việc đã bàn nát nướcM, ngày 28.8.2006, UBND tỉnh ký văn bản số 1779 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để báo cáo việc hệ trọng mà tỉnh sẽ làm: Trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh tiểu khu 663 từ mục đích sử dụng vào rừng đặc dụng (nằm trong vùng lõi) sang mục đích sử dụng vào rừng sản xuất (nằm ngoài vùng đệm) do Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý tại xã Mô Ray, huyện Sa Thầy; Cho phép Cty Khoáng sản lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến khoảng sản Đa Kim - Wolfram tại xã Mô Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tiếp theo, từ ngày 12.9.2006 đến ngày 10.4.2007, UBND tỉnh đã ký nhiều văn bản khác gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với đề nghị xin chuyển đổi mục đích sử dụng 1686 ha rừng và cho phép Cty Khoáng sản được lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản Đa Kim - Wolfram.

...Từ văn bản đệ trình của UBND tỉnh Kon Tum và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 3.12.2007 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký văn bản số 1880/TTg-NN khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: Đồng ý chuyển chức năng 1686 ha rừng đặc dụng tại tiểu khu 663, thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray sang rừng sản xuất như đề nghị của UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các công văn.

UBND tỉnh Kon Tum có làm trái luật?

Khi cửa rừng được mở để cho phép thăm dò khai thác khoáng sản Đa Kim - Wolfram thì cũng là lúc UBND tỉnh "thay lòng đổi dạ", bằng việc ký công văn số 257 ngày 21.2.2008 để kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho Công ty cổ phần Khai khoáng Hoà Phát (doanh nghiệp mới được thành lập) thăm dò khoáng sản Đa Kim - Wolfram trùng với diện tích trước đây UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Cty Khoáng sản. Biện minh cho cách làm bội tín, UBND tỉnh đưa ra lý do (hiểu theo tinh thần công văn số 257 gửi Thủ tướng Chính phủ): Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có ý kiến thống nhất chọn Công ty cổ phần Khai khoáng Hoà Phát (!?). Chưa cần bàn đến "lý do" thiếu minh bạch như trên thì cũng đã có dấu hiệu chứng minh cho việc UBND tỉnh Kon Tum làm chưa đúng Luật Khoáng sản và Luật Đầu tư, vì trong một thời gian dài đã chấp thuận cho cả hai doanh nghiệp được thăm dò khai thác khoáng sản Đa Kim - Wolfram trên cùng một vị trí. Sở dĩ có việc "Dự án đè Dự án" vì gần 1 tháng sau (tính từ khi có văn bản số 1880/TTg- NN), ngày 11.1.2008 UBND tỉnh mới ký công văn số 65 trả lời Cty Khoáng sản "UBND tỉnh thu hồi công văn số 1884 ngày 12.9.2006 về việc giới thiệu Cty Khoáng sản lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản Đa Kim - Wolfram". Nói chính xác hơn, công văn số 1884 là công văn mà UBND tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ đề cập đến việc "Cho phép Cty Khoáng sản lập đề án thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản Đa Kim - Wolfram". UBND tỉnh nói rằng thu hồi công văn số 1884 nhưng trong công văn số 65 lại không nói rõ là thu hồi ngày nào, ai ký tá...

Dẫn chứng những văn bản lúc xuôi - lúc ngược của UBND tỉnh cho thấy sự khuất tất trong việc chọn Công ty cổ phần Khai khoáng Hoà Phát như "cái kim trong bọc...". Để sự thật được trở về đúng với sự thật, có lẽ cơ quan chức năng của Trung ương cần vào cuộc để thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật của UBND tỉnh khi chọn Công ty cổ phần Khai khoáng Hoà Phát - doanh nghiệp sắp được hái "quả chín" vì sự lao tâm khổ tứ của Cty Khoáng sản Việt Nam.

PV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây